Câu chuyện làm thiện nguyện ngày thường đã khó, thiện nguyện trong đại dịch còn khó khăn hơn gấp vạn lần, khi những hiểm nguy của dịch bệnh luôn rình rập và thành phố bị phong tỏa đến nghẹt thở. Thế nhưng, hàng trăm hội nhóm vẫn hoạt động, các bếp ăn vẫn rực lửa, những chuyến xe vẫn chạy đều giữa muôn trùng khó khăn, vì… “…có nhiều người đang cần đến một bữa ăn, một nơi ở và hơn hết là cảm thấy được quan tâm, chia sẻ trong cơn hoạn nạn. Họ vốn dĩ là những thân phận nhỏ bé, thậm chí vô hình. Nếu đại dịch không xảy ra thì sự nghèo khó cứ vậy mà hoà lẫn vào trong nhịp sống tất bật. Đại dịch đã phơi bày sự khốn khổ này, nhưng tại thời điểm đó, họ cũng rất đơn độc”. Chia sẻ trên của bác sĩ Hải Oanh, đại diện dự án Mỗi Ngày Một Quả Trứng, có lẽ cũng là tâm tư của rất nhiều mạnh thường quân, đơn vị thiện nguyện đang kiên trì giúp đỡ cộng đồng từ ngày này qua ngày khác. Vietcetera đã có buổi trò chuyện đặc biệt với những người đứng sau các dự án tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người yếu thế: Sài Gòn Chợ Lạc Xoong, Nắng, Mỗi Ngày Một Quả Trứng, Sài Gòn Bao Dung để cùng họ kể những câu chuyện tử tế, những khó khăn và cả những ấm áp trong thời gian khắc nghiệt này. “Trễ 1 phút là người khó khăn sẽ đói thêm 1 ngày” Với hầu hết các nhóm thiện nguyện, di chuyển là bài toán khó nhất trong tình hình giãn cách xã hội. “Bình thường các khu dân cư nghèo đã là ở những địa điểm khá xa xôi hoặc địa hình lắt léo nằm sâu trong hẻm. Trong tình hình phòng chống dịch, việc di chuyển sẽ mất nhiều thời gian hơn rất nhiều do phải dừng lại trình bày lý do tại các chốt kiểm dịch, hoặc phải đi đường vòng xa hơn đến chục cây số”, đại diện Mỗi Ngày Một Quả Trứng chia sẻ. Có chung suy nghĩ, Anh Bùi Vĩnh Thế, trưởng nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong cho biết "rất khó có thể đủ xe chở hàng để phân phối đến những nơi đang cầu cứu”.