Một nghiên cứu mới ước tính trái đất có khoảng 1,7 tỉ con khủng long bạo chúa trước khi chúng tuyệt chủng.

Có bao nhiêu con khủng long bạo chúa từng tồn tại trên trái đất? - Ảnh 1.
Bộ xương 67 triệu năm tuổi của một con khủng long bạo chúa tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp ở Paris năm 2018
REUTERS

 

Theo nghiên cứu mới được xuất bản trên Tạp chí Palaeontology của Hiệp hội Cổ sinh vật học (Anh), có khoảng 1,7 tỉ con khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex hay T. rex) trước khi tiểu hành tinh va vào trái đất khiến chúng tuyệt chủng.

Các nhà khoa học đã phải tính toán rất nhiều để tìm ra con số trên, từ tuổi thọ trung bình đến độ trưởng thành về mặt sinh dục và số lượng trứng nở ra.

Mặc dù 1,7 tỉ là con số khá lớn, ước tính mới nhất vẫn ít hơn 800 triệu con khủng long so với kết quả từ một nghiên cứu năm 2021. Phân tích mới dựa trên thông tin cập nhật mới nhất hiện nay về sự phát triển và sinh sản của khủng long. Vì vậy, nó có vẻ chính xác hơn.

"Không giống nghiên cứu này, thời gian thế hệ cũng như tuổi thọ, tỷ lệ sinh sản và giá trị sinh sản của các cá thể được tính toán trong mô hình trước đó đều mâu thuẫn mạnh mẽ với hiểu biết hiện tại của chúng ta về đặc tính sinh học của T. rex và các loài khủng long chân thú khác", nhà sinh thái học tiến hóa Eva Griebeler từ Đại học Johannes Gutenberg Mainz (Đức) viết trong nghiên cứu mới.

Các con số của chúng cũng khác với con số của các loài bò sát, chim và động vật có vú lớn còn tồn tại. Tất cả những thiếu sót trên của mô hình trước đó cho thấy mô hình của tôi có lợi hơn cho việc đánh giá các đặc điểm cá thể và quần thể của T. rex và các loài đã tuyệt chủng khác", tác giả Griebeler viết.

Nói một cách đơn giản, các tính toán mới cho thấy tỷ lệ sống sót của T. rex thấp hơn, tổng số thế hệ ít hơn và số lượng trứng giảm. Chúng ta có dữ liệu tốt hơn về các yếu tố này nhờ các nghiên cứu hóa thạch chi tiết và việc so sánh chúng với các loài hiện đại vẫn giữ một số đặc điểm của khủng long.

Tác giả Griebeler cũng đã thử nghiệm mô hình của mình với dữ liệu của 23 loài khác nhau còn tồn tại trong số các loài bò sát, chim và động vật có vú. Từ đó, bà Griebeler nhận thấy rằng mô hình mới dự đoán số lượng quần thể khá chính xác so với mô hình trước đó. Điều đó cho thấy mô hình mới cũng sẽ hiệu quả trong việc phân tích khủng long bạo chúa.

Tin vui là một trong những tác giả của mô hình năm 2021, nhà cổ sinh vật học Charles Marshall của Đại học California–Berkeley (Mỹ), đã ủng hộ công trình mới. Theo Live Science, ông Marshall nói rằng con số mới nhất "thực tế hơn".

Theo Thanh niên