Dự kiến tháng 12, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ và Thanh Xuân được thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp ở một số quận trong 12 tháng. Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ triển khai giai đoạn 1 với 500 xe đạp điện, 500 xe đạp thường, tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. 6 quận thí điểm giai đoạn 1 gồm: Ba Đình dự kiến có 340 xe, Tây Hồ 240, Đống Đa 100, Hoàn Kiếm 280, còn lại là Thanh Xuân và Hai Bà Trưng. Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng với xe đạp thường, 10.000 đồng với xe đạp điện; phí thuê xe cả ngày với hai loại xe lần lượt 60.000 và 120.000 đồng. Doanh nghiệp cũng có vé tháng, quý và năm, thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên smartphone: Mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng... [caption id="attachment_1871" align="aligncenter" width="680"] Xe của dự án thí điểm xe đạp đô thị trên địa bàn TP HCM ở đường Lê Lợi, quận 1. (Ảnh: Gia Minh)[/caption] Trong năm đầu tiên thí điểm, doanh nghiệp xin được miễn phí vỉa hè và thu phí dịch vụ. Giai đoạn tiếp theo căn cứ vào số liệu vận hành thực tế, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND thành phố. Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, cho hay nếu không được miễn phí vỉa hè, giá dịch vụ thuê xe sẽ cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân. Mức phí thuê xe đang được công ty áp dụng chung cho tất cả thành phố (TP HCM, Vũng Tàu, Quy Nhơn). "Sau thời gian thí điểm ở TP HCM, tôi thấy người dân và du khách rất hào hứng tham gia", ông Dân nói. Trước đó năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa thí điểm cho thuê xe đạp và xe đạp điện bằng năng lượng mặt trời tại Hà Nội, nhưng sau đó không duy trì được. Đầu năm 2020, thành phố chủ trương thí điểm đầu tư hệ thống xe đạp điện sử dụng phần mềm quản lý tại quận Hoàn Kiếm. Tổng đầu tư dự án trên 26 tỷ đồng bằng nguồn vốn nhà đầu tư. Dự kiến việc thí điểm được thực hiện trong năm 2020 với thời gian thử nghiệm 18 tháng. Mức thu phí 20.000 đồng một tiếng đầu (tính thời gian xe chạy), hoặc 200.000 đồng một ngày. Nhà đầu tư đề xuất thành phố hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc pin như: Vườn hoa Phùng Hưng - Bát Đàn; phố bích họa Phùng Hưng; vườn hoa Tây Sơn; ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống; thư viện Hà Nội; vườn hoa Nhà hát Lớn; vòng xoay cầu Chương Dương. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai.Theo Báo VnExpress