Theo các chuyên gia, tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 có rất nhiều ý nghĩa đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, nhất là trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang được kiểm soát tốt. Tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống của người lao động mà còn kích thích sức mua, từ đó thúc đẩy sản xuất.

Mong lương tăng nhưng giá không tăng

Trước ngày 1/7, lương của anh Phạm Văn T - cán bộ phường tại tỉnh Ninh Bình là 6,7 triệu đồng/tháng. Sau khi tăng lương, cộng thêm 2 khoản phụ cấp công vụ và chức vụ, lương của anh T khoảng 10,5 triệu đồng/tháng.

Theo anh T, sau 4 năm, lương cơ sở đã thêm 310.000 đồng - mức được cho là khá cao so với các lần trước. Và quan trọng hơn, ở đợt tăng lương này, không có sự thay đổi nhiều về giá hàng hoá thiết yếu...

Anh T nói: “Năm nay ngoài 40 tuổi, trải qua nhiều vị trí công việc và nhiều lần tăng lương, tôi thấy kì tăng này khá ấn tượng. Giá cả ở thời điểm lương tăng không thay đổi nhiều, từ bó rau, gói mì chính, cân gạo hay vé máy bay,... Lương tăng, giá không tăng, có như vậy người làm công như chúng tôi mới có thể yên tâm làm việc”.

Giá cả được kiểm soát tốt, tăng lương càng thêm ý nghĩa
Công chức làm việc trong cơ quan nhà nước được tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023. Ảnh: Quế Chi

Chị Nguyễn Thị H - là công chức hành chính cấp xã ở Thanh Hoá cho biết, từ ngày 1/7, tiền lương của tôi được 6,5 triệu đồng/tháng. Vì thu nhập chỉ đủ nuôi 2 con nhỏ với mức chi tiêu tiết kiệm ở quê nên tiền lương tăng nhưng giá cả không được kiểm soát thì tất cả sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đánh giá, tăng lương cơ sở ở mức 20,8% từ ngày 1/7/2023 là mức cao. “Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, việc tăng lương là rất đáng mừng bởi người lao động đã chờ tăng lương trong thời gian dài. Lần tăng lương này không chỉ giúp họ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống mà còn động viên người lao động làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước” - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá, tăng lương từ ngày 1/7 thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu lao động.

Tăng lương giúp tăng sức mua

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, việc tăng lương cơ sở thời điểm này có tác động đến nhiều mặt. Bên cạnh việc cải thiện một phần đời sống của cán bộ, công chức, người hưởng lương còn kích thích sức mua, tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ông Quảng cho biết, các lần điều chỉnh mức lương cơ sở đều dựa trên một số yếu tố, trong đó phải bù đắp được chi phí trượt giá cũng như tính đến yếu tố phát triển kinh tế - xã hội để cải thiện một phần khó khăn của công chức, viên chức, người lao động nhưng mỗi lần điều chỉnh lương cơ sở, lương tối thiểu thì giá cả lại tăng. Điều này ảnh hưởng đến ý nghĩa thực tế của tăng lương, không đảm bảo ý nghĩa cải thiện đời sống.

“Năm nay có điều đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo thông báo của Tổng cục Thống kê vẫn đang được kiểm soát tốt” - ông Quảng thông tin và cho rằng, trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh lương cơ sở lần này là rất cấp thiết đối với 9 nhóm đối tượng theo quy định.

Không chỉ vậy, các chính sách đi kèm (như hưởng bảo hiểm xã hội liên quan đến mức lương cơ sở) cũng tăng lên, có tác động rất tích cực trong bối cảnh đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Quảng, việc điều chỉnh lương cơ sở lần này giúp cải thiện, giảm bớt khó khăn của người lao động, từ đó động viên họ làm việc với động lực, năng suất, chất lượng hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thời điểm hậu COVID-19, cung cầu tiêu dùng giảm thì việc tăng lương cơ sở còn kích thích sức mua, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo báo Lao động