Tổng thống Ukraine sẽ không có mặt nếu không có lời mời vào NATO; Greta Thunberg chỉ trích phản ứng của thế giới đối với vụ vỡ đập ở Ukraine; Đốt kinh Quran ở Thụy Điển châm ngòi biểu tình... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 30-6.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS

* Ukraine muốn nhận lời mời của NATO tại Vilnius

Ông Ihor Zhovkva - trưởng cố vấn ngoại giao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết Ukraine muốn NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đưa ra phản hồi đối với đơn xin gia nhập của Kiev tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh này ở Vilnius, Lithuania, vào tháng tới.

Ngày 29-6, ông Zhovkva tuyên bố Tổng thống Zelensky sẽ không tham dự nếu các nhà lãnh đạo không thể hiện "sự can đảm".

Theo Hãng tin Reuters, Ukraine đã đệ trình đơn xin gia nhập NATO từ ngày 30-9 năm ngoái.

"Đơn đăng ký này hiện đã có trên bàn của các nhà lãnh đạo của các đồng minh NATO. Hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ là một khởi đầu rất tốt để phản hồi đơn đăng ký này. 

Và bằng cách trả lời, chúng tôi muốn nói đến lời mời trở thành thành viên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên", ông Zhovkva nói.

* Thượng phụ Nga kêu gọi các giáo hội hợp tác vì hòa bình

Ngày 29-6, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, nói với một đặc phái viên của Giáo hoàng Francis rằng các giáo hội nên làm việc cùng nhau để ngăn chặn "những diễn biến chính trị tiêu cực, phục vụ hòa bình và công lý".

Thượng phụ Kirill là người ủng hộ quyết định của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine, trong khi Giáo hoàng Francis đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột.

"Tôi nghĩ rằng ngày nay... các nhà thờ có thể thông qua những nỗ lực chung để ngăn chặn sự phát triển tiêu cực của các sự kiện chính trị và phục vụ cho hòa bình và công lý", Thượng phụ Kirill nói với đặc phái viên, Hồng y Matteo Zuppi.

Nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg - Ảnh: REUTERS

* Greta Thunberg chỉ trích phản ứng của thế giới đối với vụ vỡ đập ở Ukraine

Ngày 29-6, nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg đã đến thăm Kiev để thu hút sự chú ý đến thiệt hại môi trường do chiến tranh ở Ukraine, và chỉ trích phản ứng của thế giới đối với sự cố vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka.

Hiện nay, Ukraine đang điều tra vụ vỡ đập gây lũ lụt khắp miền nam Ukraine và các khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Kherson. Ước tính chi phí cho sự cố vỡ đập này là 1,2 tỉ euro.

"Tôi không nghĩ rằng phản ứng của thế giới đối với hành vi diệt chủng (sinh thái) này là đủ. Chúng ta phải nói nhiều hơn về điều này, chúng ta phải nâng cao nhận thức về những gì đang diễn ra", Thunberg tuyên bố.

* Thẩm phán bác bỏ lập luận của ông Trump trong vụ kiện với nữ nhà văn

Thẩm phán quận Manhattan Lewis Kaplan đã từ chối đề nghị của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc bác bỏ vụ kiện ban đầu của nhà văn E. Jean Carroll. 

Bà Carroll cáo buộc ông Trump phỉ báng bà vào tháng 6-2019 bằng cách phủ nhận việc ông ta đã cưỡng hiếp bà vào giữa những năm 1990.

Theo Reuters, thẩm phán đã bác bỏ lập luận của ông Trump rằng ông được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối của tổng thống.

Trước đó, cựu tổng thống Mỹ cho hay nhiều tuyên bố của ông là quan điểm và bà Carroll "đồng ý" với các tuyên bố của ông bằng cách đợi hàng thập kỷ để công khai, khiến ông "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc bào chữa cho bản thân.

Một người biểu tình đốt kinh Quran bên ngoài nhà thờ Hồi giáo trung tâm của Stockholm, Thụy Điển ngày 28-6 - Ảnh: REUTERS

* Tàu Canada tham gia sứ mệnh NATO rà phá bom mìn ở Bắc Âu

Ngày 29-6, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo Canada sẽ triển khai hai tàu vào tháng 7 để tuần tra vùng biển Bắc Âu, đồng thời tìm kiếm thủy lôi trong khuôn khổ sứ mệnh của NATO tại Latvia.

Hai con tàu dự kiến sẽ khởi hành từ Halifax vào ngày 3-7. Chúng sẽ tham gia nhóm đối phó với bom mìn của NATO vốn được thành lập vào năm 1973 để rà phá bom mìn trong Thế chiến II tại eo biển Manche.

* Đốt kinh Quran ở Thụy Điển châm ngòi biểu tình ở Baghdad

Theo Reuters, hàng chục người Iraq đã tụ tập trước Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad vào ngày 29-6 để phản đối việc đốt kinh Quran bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển.

Chính phủ của một số quốc gia Hồi giáo, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan và Morocco, cũng đưa ra phản đối về vụ việc.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố lên án việc đốt kinh Quran này. Tuy nhiên, Washington cho rằng việc Thụy Điển cấp phép cho cuộc biểu tình đó không thể hiện sự ủng hộ đối với việc đốt kinh Quran.

* Mexico phát cảnh báo bão ở bờ biển Thái Bình Dương

Trung tâm Bão quốc gia (NHC) có trụ sở tại Mỹ cho biết một cơn bão nhiệt đới được dự báo sẽ hình thành vào ngày 29-6 ngoài khơi Mexico và có khả năng mạnh lên thành bão trong tuần này. Chính phủ Mexico sau đó phải ban hành cảnh báo đối với các khu du lịch bãi biển nổi tiếng trên bờ biển Thái Bình Dương.

Ngoài ra, NHC cho biết áp thấp nhiệt đới Two-E dự kiến sẽ mạnh lên thành một cơn bão khi di chuyển theo hướng tây tây bắc ngoài khơi Mexico, với tốc độ khoảng 21km/h.