Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đang xét nghiệm mẫu thức ăn trong bữa cơm trưa để xác định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc tập thể.
Tối 21/6, Trung tâm y tế thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) cho biết vào trưa ngày 20/6 tại lán nương của gia đình ông Hàng A Páo (sinh năm 1974, ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài) có tổ chức nấu cơm phục vụ người cấy lúa.
Trong bữa ăn có 21 người thuộc 2 bản Cư Nhà La và Lùng Thàng. Ông Hàng A Páo kể: Bữa cơm gồm có 7 món, trong đó có món canh nấm được hái nấm mọc hoang dại ở vườn ruộng của gia đình. Do thấy món nấm lạ nên trong bữa cơm trưa có 6 người không ăn, nên không có triệu chứng ngộ độc.
Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, anh Hàng A Minh là người xuất hiện triệu chứng ngộ độc đầu tiên. Đến 22 giờ cùng ngày lần lượt có thêm 13 người xuất hiện triệu chứng ngộ độc và được người nhà và lực lượng y tế địa phương đưa đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã Sùng Phài và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
Bữa cơm có 15 người ăn món canh nấm thì 14 người có triệu chứng ngộ độc, trong đó có 7 người tại bản Cư Nhà La và 7 người ở bản Lùng Thàng.
Đại diện các cơ sở y tế địa phương cho biết, sau khi tiếp nhận các bệnh nhân và chẩn đoán ban đầu, nhân viên y tế đã thực hiện phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm như: truyền kháng sinh, bù nước điện giải bằng truyền dịch...
Đến nay tình hình sức khỏe các bệnh nhân đã cơ bản ổn định và đang tiếp tục được theo dõi.
Trong những tháng gần đây, xuất hiện liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, lý do của các ca nhập viện là vì ăn phải loại nấm độc, nấm dại hoặc người dân nhầm lẫn với đông trùng hạ thảo nên đem về chế biến ăn uống, đã khiến không ít những vụ việc thương tâm xảy ra.
Vì vậy, người dân tuyệt đối không ăn thực phẩm hay những loại nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ nên ăn những loại nấm có nguồn gốc rõ ràng để an toàn cho tính mạng của bản thân và khi có những triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cần đến ngay bệnh viện gần nhất để kịp thời khám chữa bệnh.