Những tuần qua, chỉ số bụi trong không khí tại TP.HCM giai đoạn này đang gia tăng. Số liệu trong ba tuần gần nhất cho thấy chỉ số bụi mịn PM2.5 đều vượt ngưỡng cho phép, ô nhiễm gia tăng. Các chuyên gia cho biết là do hoạt động giao thông vận tải dịp cuối năm tăng cao.

Bầu trời nhiều bụi

Những ngày gần đây TP.HCM thường xuất hiện lớp mù bao phủ khá dày đặc kéo dài đến tận trưa. Hiện tượng này dễ nhận thấy nhất khi nhìn vào các khu vực có nhà cao tầng, các tòa nhà gần như biến mất khi bị lớp mù bao phủ xung quanh. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng thường thấy tại khu vực Nam Bộ vào những tháng cuối năm. Hiện tượng này được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố với tên gọi mù quang hóa. Đây là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn. [caption id="attachment_2462" align="aligncenter" width="705"] Bụi mù mịt nhìn từ các dãy nhà cao tầng [/caption] Kết quả quan trắc không khí ba đợt gần nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP.HCM đều vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể trong đợt đo từ 31-10 đến ngày 6-11 chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 19% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn. Đợt đo tiếp theo từ ngày 7-11 đến ngày 13-11 cho thấy chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 21,9% giá trị quan trắc không đạt. Từ ngày 14-11 đến ngày 20-11, các chỉ tiêu bụi (TSP) có 42,9% giá trị quan trắc không đạt. Chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 9,5% giá trị quan trắc không đạt. Dấu hiệu ô nhiễm còn dễ nhận biết khi tham gia giao thông hay bụi bẩn bám trên nhà cửa, đồ vật người dân.

Xe cộ gây ô nhiễm hàng đầu

Ghi nhận thực tế tại một số nút giao thông lớn ở TP.HCM như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (đường Cộng Hòa, Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng), đường Mai Chí Thọ (quận 2), ngã tư Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương (quận 7), đường Trường Chinh, ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) lượng xe cộ những ngày này tăng mạnh... Tại các vị trí trên thường xảy ra ùn tắc kẹt xe kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Theo PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, trưởng khoa môi trường Đại học Văn Lang, hoạt động giao thông là "thủ phạm" hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Những ngày cuối năm mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều nơi tăng cao là do hoạt động giao thông gia tăng, trong khi các phương tiện cũ đã hết hạn lưu hành vẫn hoạt động thải vào bầu không khí một lượng các chất độc hại khổng lồ. Và tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong nội thành thường cao hơn vùng ngoại ô".