Hôm qua (18-6), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hội đàm với người đồng cấp Tần Cương ở Bắc Kinh. Chuyến thăm Trung Quốc hai ngày của ông Blinken có thể gửi những thông điệp quan trọng về quan hệ song phương sắp tới.

Không phải ngẫu nhiên khi trước chuyến thăm hai bên đều nhắc đến những đồng thuận mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình từng đạt được bên lề cuộc gặp ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) hồi cuối năm ngoái.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) đi cạnh Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ở nhà khách Điếu Ngư Đài hôm 18-6 - Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) đi cạnh Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ở nhà khách Điếu Ngư Đài hôm 18-6 - Ảnh: REUTERS

Nối lại tiếp xúc cấp cao

Ông Blinken là quan chức cao cấp nhất của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc và cũng là vị ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thực hiện chuyến thăm dạng này tới Bắc Kinh trong năm năm qua.

Về hình thức, chuyến đi của ông Blinken phản ánh nỗ lực giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trong thực tế, giới quan sát ngầm hiểu sự kiện lần này sẽ không mang lại nhiều đột phá cho quan hệ Mỹ - Trung, bất chấp một số thông tin nói ông Blinken sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị trong ngày 19-6.

Theo Đài CNN, quan chức cả hai bên đều bắn tín hiệu hạ thấp kỳ vọng cho chuyến đi này. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông không kỳ vọng "một danh sách dài những thứ có thể mang đến". Trước chuyến đi, ông Blinken điểm ra ba mục tiêu chính: thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng, thúc đẩy lợi ích của Mỹ và đồng minh - nêu trực diện những lo ngại liên quan, và tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Mỹ và các nhà phân tích nhận định trọng tâm trong chuyến đi của ông Blinken sẽ nằm ở việc nối lại tiếp xúc cấp cao giữa hai nước trong vài tháng tới.

Trước mắt, đó có thể là các chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, và xa hơn nữa có thể là cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, không loại trừ khả năng là gặp bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2023 ở Mỹ.

Từ "tách ly" thành "giảm rủi ro"

Ông Ryan Haas, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings (Mỹ), mô tả chuyến đi của ông Blinken là "giai đoạn đầu trong quá trình tìm hiểu" của hai bên về việc có thể cải thiện quan hệ song phương hay không. "Cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đều không lợi ích gì từ sự leo thang mất kiểm soát trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng đồng thời, không ai muốn bản thân bị cho đang tiếp cận mềm mỏng hơn với đối phương", ông nói với Đài Al Jazeera.

Một số nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Blinken cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể đã có sự đồng thuận ít nhiều về lập trường.

CNN dẫn lời bà Patricia Kim, một nhà nghiên cứu khác của Viện Brookings, cũng nhận xét rằng chuyến đi của ông Blinken không làm thay đổi bản chất mối quan hệ Mỹ - Trung và hai bên đều không muốn tỏ ra quá háo hức với đối phương. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc ở vị trí tốt. "Tôi nghĩ việc Trung Quốc gật đầu với cuộc gặp này phản ánh rằng Bắc Kinh đang cảm thấy khá tự tin về lập trường của mình", bà nói.

Các chuyên gia đều chưa đoán được kết quả chuyến thăm của ông Blinken là gì. Tuy nhiên, nếu xét về "sự tự tin" trong lập trường của Trung Quốc, có thể chú ý tới một dòng trạng thái trên Twitter của cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và hiện là trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, người tham dự cuộc hội đàm giữa ông Blinken và ông Tần.

Bà viết: "Hy vọng cuộc gặp có thể giúp đưa quan hệ Trung - Mỹ về lại những gì hai lãnh đạo đã nhất trí ở Bali".

Trước đó, ông Blinken cũng đề cập tới Bali, cho rằng chuyến đi này nhằm thực hiện những gì ông Biden và ông Tập từng đồng thuận.

Hai trong số những vấn đề ông Tập và ông Biden nói với nhau tại Bali gồm tình hình Đài Loan và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Ông Biden tái nhấn mạnh chính sách "Một Trung Quốc" của Mỹ không thay đổi, dù phản đối hành động "ngày càng quyết đoán" của Trung Quốc với Đài Loan. 

Trong khi đó, ông Tập nhấn mạnh Đài Loan là "lằn ranh đỏ" trong quan hệ Mỹ - Trung, và rằng Washington nên nói đi đôi với làm đối với chính sách "Một Trung Quốc".

Trong vấn đề cạnh tranh kinh tế - công nghệ, Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm cùng phát triển và phản đối các nỗ lực "tách ly khỏi Trung Quốc". Trong thời gian qua, Mỹ đã điều chỉnh từ "tách ly" (decouple) thành "giảm rủi ro" (de-risk).

Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen lặp lại cảnh báo về "tách ly". Nhưng chữ "giảm rủi ro" được dùng thay thế thực chất vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Một số học giả mô tả từ này mang ý nghĩa mơ hồ. Rất có thể trọng tâm sắp tới trong các cuộc trao đổi cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một cách hiểu hoặc một giới hạn chung trong việc định nghĩa phạm vi và mức độ của nỗ lực "giảm rủi ro" này.

Theo Tuổi trẻ