Cổng cưới do nam sinh lớp 10 thực hiện bằng quả vải thiều Lục Ngạn tươi ngon đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Chị Trần Thị Toàn – mẹ cô dâu cho biết: “Bạn bè của gia đình tôi ở các tỉnh nhiều. Đám cưới con gái đúng mùa vải, vì thế tôi muốn nhân dịp này quảng bá đặc sản quê hương".
Chị Toàn đưa ý tưởng của mình với bên tổ chức sự kiện. Ban đầu chị định đặt một lẵng hoa làm từ quả vải tươi, nhưng người trang trí cổng hoa đã đưa ra ý tưởng làm cổng hoa bằng quả vải.
Trần Thành Đạt (SN 2005), người lên ý tưởng và thực hiện chiếc cổng cưới độc đáo cho biết: “Em muốn đưa quả vải tươi - sản vật của quê hương lên trang trí cổng hoa để thông qua khách tới đám cưới, nhiều người sẽ biết tới đặc sản vải Lục Ngạn quê em hơn”, Đạt nói.
Một số người thấy vậy tỏ ý lo ngại quả vải khi treo ngoài trời sẽ bị xuống màu, xỉn và xấu. Đạt cũng hơi lo lắng về việc đó, nhưng vẫn mạnh dạn thuyết phục mọi người đồng ý.
Đất Lục Ngạn bạt ngàn vải, là vựa vải thiều xuất khẩu lớn nhất cả nước. Nhưng Đạt không dùng vải của thương lái có sẵn để trang trí. 5h sáng, mặc dù trời mưa nhưng Đạt vẫn đi lên một ngọn đồi cách nhà 40km, lựa chọn từng chùm vải để hái.
“Cả đồi sản lượng ước tính hơn 10 tấn, nhưng em chỉ chọn hái hơn 100kg vải loại chùm quả to nhất, mã đẹp nhất mang về để trang trí đám cưới. Vải xuất khẩu ở Lục Ngạn nhiều, nhưng loại vải trên đồi cao sẽ giữ màu tươi lâu hơn so với các loại vải được trồng ở địa hình khác”, Đạt chia sẻ.
Mỗi chùm vải nặng hơn 1kg được Đạt bảo quản mang về nhà cô dâu. Chàng trai gen Z đã tự mình thi công cổng cưới độc lạ từ 9h sáng tới 13h mới xong.
Sinh năm 2005, nhưng Thành Đạt mới đang học lớp 10. Chị Phạm Hồng Ngát, mẹ của Đạt chia sẻ: “Năm lên 10 tuổi, Đạt phát hiện bị ung thư máu dòng Lympho, gia đình cho Đạt nghỉ học để chữa bệnh. Nếu theo phác đồ, việc điều trị phải kéo dài 3,5 năm nhưng thật may sau 2 năm Đạt đã khỏi hoàn toàn”.
Lo lắng sức khỏe của con trai, chị Ngát không ép con phải học mà để con phát huy đam mê của mình. Gia đình chị Ngát cũng như nhiều người dân Lục Ngạn đều trồng vải xuất khẩu nhưng Đạt lại không theo nghề của gia đình.
Em sớm bộc lộ năng khiếu ca hát, trở thành cây văn nghệ của trường. Và đặc biệt, em có năng khiếu cắm hoa. Vì thế chị Ngát đã đầu tư cho con trai làm thêm mảng trang trí sự kiện, đám cưới.
Vừa hoàn thành hôn lễ cho con gái sáng 15/6, không giấu được niềm vui chị Toàn nói: “Ngoài trang trí cổng hoa bằng quả vải, gia đình tôi còn dùng vải để đãi khách trên bàn tiệc và cả quà tiễn khách khi ra về. Tôi rất hài lòng về chiếc cổng đám cưới độc đáo của con gái mình. Bản đồ Việt Nam có hai trái tim đỏ Hoàng Sa và Trường Sa cũng được kết bằng quả vải tươi. Khách tới đám cưới ai cũng trầm trồ khen ngợi”.
Theo báo Vietnamnet