Nhà máy giảm việc, hạn chế tuyển lao động, chi phí ở thành phố tăng cao nên nhiều công nhân hồi hương tìm cơ hội.

Từ đầu năm nay, mỗi tuần Công ty TNHH L.R Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức), chuyên gia công giày, chỉ còn sản xuất ba ngày do hụt đơn hàng. Công nhân thiếu việc nên thu nhập giảm. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị Trần Thị Cẩm Linh quyết định nghỉ việc, về quê làm rẫy cùng gia đình.

Gần 10 năm trước, chị Linh rời Định Quán (Đồng Nai) theo người quen lên thành phố làm công ty. Chị gặp chồng, cũng là công nhân khu chế xuất. Sau nhiều năm gắn bó với nhà máy, lương cơ bản của anh chị tăng dần. Nếu doanh nghiệp sản xuất ổn định, có tăng ca, tổng thu nhập mỗi tháng hai vợ chồng hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi trừ tiền nhà trọ, ăn uống, nuôi một con nhỏ ở thành phố và hai con ở quê, anh chị vẫn không có dư.

Vợ chồng chị Linh chăm sóc vườn xoài ở Định Quán. Ảnh: An Phương

Vợ chồng chị Linh chăm sóc vườn xoài ở Định Quán. Ảnh: An Phương

Người mẹ 29 tuổi nói rằng trải qua nhiều biến cố như đợt thành phố bùng dịch, anh chị bắt đầu nghĩ đến chuyện hồi hương. Đặc biệt khi hai con bắt đầu đến tuổi dậy thì, cần mẹ bên cạnh. Nhà có sẵn ba mẫu đất rẫy tương đương 30.000 m2 nên anh chị lên kế hoạch về quê làm nông nghiệp.

Đầu năm ngoái, chồng chị nghỉ việc về trước chăm sóc vườn xoài, trồng thêm sầu riêng. Chị vẫn làm việc ở nhà máy để duy trì nguồn thu nhập cố định, đề phòng công việc ở quê không thuận lợi. Những ngày nhà máy giảm việc, chị tranh thủ về quê làm rẫy cho quen tay chân.

"Tôi chưa định về ngay nhưng tình hình sản xuất công ty không ổn nên quyết định sớm hơn", chị Linh nói. Sau gần 4 tháng bỏ nhà máy, chị Linh vẫn đang học cách chi tiêu theo thu nhập mùa vụ thay vì lương cứng hàng tháng như trước. Người mẹ ba con nói rằng có lúc bỏ ra cả chục triệu đồng thuê người, mua phân bón "xót hết ruột" nhưng phải quen dần. Ngày trước đi làm công ty nắng mưa không đến đầu giờ làm rẫy phải phơi mặt cả ngày ngoài trời. Tuy nhiên, bù lại gia đình được ở bên nhau.

Không gồng nổi chi phí ở thành phố là lý do chị Phan Thị Kiều Trang, 40 tuổi, quyết định hồi hương. Gia đình không có đất đai làm nông nghiệp, chị tiếp tục tìm cơ hội ở công xưởng.

Chị Trang có gần 15 năm gắn bó với Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), thu nhập mỗi tháng gần 16 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn là mẹ đơn thân, tiền lương của chị không đủ xoay xở chi phí ở thành phố ngày càng đắt đỏ. Hai con gái đi học không người đưa rước.

Khi công ty mở thêm nhà máy ở Quảng Ngãi, cách nhà ở quê khoảng 30 phút chạy xe máy, chị Trang xin chuyển việc. Mẹ chị nhận đưa đón cháu đi học, lo cơm nước hàng ngày. Phần chị, dù chênh lệch lương tối thiểu vùng, thu nhập có giảm so với lúc ở thành phố, tuy nhiên, người mẹ hai con vẫn thấy hài lòng bởi giảm được nhiều áp lực.

Không chỉ chị Trang, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10 công nhân Nikkiso xin chuyển việc về nhà máy ở Quảng Ngãi. Bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn công ty, nói nhà máy mới đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, chính thức hoạt động vào tháng 6 tới. Công ty đang chuẩn bị nhân sự và có nhiều chính sách thu hút lao động về làm việc. Công nhân có kinh nghiệm trở về từ thành phố chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến.

Sau khi cắt giảm hơn 3.000 lao động ở TP HCM vào cuối năm ngoái, Công ty TNHH Tỷ Hùng cho biết sẽ nhận lao động khi về làm ở hai nhà máy đóng tại Bến Tre và Đồng Tháp. Ảnh: An Phương

Sau khi cắt giảm hơn 3.000 lao động ở TP HCM vào cuối năm ngoái, Công ty TNHH Tỷ Hùng cho biết sẽ nhận lao động khi về làm ở hai nhà máy đóng tại Bến Tre và Đồng Tháp. Ảnh: An Phương

Rời thành phố về quê tìm cơ hội không chỉ là câu chuyện của chị Trang, chị Linh. Khảo sát hơn 1.000 công nhân ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), cho kết quả có 15,5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người chưa có dự định.

Theo khảo sát, lý do lớn nhất để lao động về quê là gần gia đình, thu nhập khi làm việc ở thành phố không đủ trang trải cuộc sống. Xét về hoàn cảnh, nhóm nhiều tuổi, có con gửi ông bà chăm sóc càng mong muốn được hồi hương.

Một lý do khác là cơ hội việc làm ở các quê cũng đã tốt hơn khi chính sách mở rộng các khu công nghiệp các tỉnh, không tập trung ở một số thành phố lớn như trước đây. Chi phí mặt bằng, nhân công ở TP HCM và một số khu vực của Đồng Nai, Bình Dương tăng cao, các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy về các địa phương để có chi phí rẻ hơn, kéo theo lượng lớn lao động hồi hương.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Social Life, nói rằng những người về quê có hai nhóm, với người trẻ khi hồi hương sẽ tiếp tục làm việc trong các nhà máy gần nhà. Lao động lớn tuổi trở về với nông nghiệp.

Trong ngắn hạn, xu hướng này có thể gia tăng do việc làm ở các thủ phủ công nghiệp, thành phố lớn ngày một eo hẹp. Khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM về nhu cầu sử dụng lao động của gần 4.000 doanh nghiệp trong quý 1 cho thấy, so với cuối năm ngoái, gần 31% giảm lao động, trên 50% giữ nguyên, không tuyển mới và khoảng 19% tăng lao động. Nhóm cắt giảm lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giày da, dệt may, xây dựng, chế biến lương thực phẩm...

Buổi tuyển dụng lao động do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức cho lao động hồi hương hồi đầu năm. Ảnh: An Phương

Buổi tuyển dụng lao động do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức cho lao động hồi hương hồi đầu năm. Ảnh: An Phương

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm quốc gia, cho biết chính sách chi trả trợ cấp thất nghiệp hiện nay khá linh hoạt, giúp lao động có thêm cơ hội khi hồi hương. Ví dụ lao động làm việc ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai mất việc có thể chuyển hưởng về tỉnh và được các trung tâm giới thiệu việc làm phù hợp tại nơi ở.

Theo Lê Tuyết - VNE