Sáng 17-5, ông Joe Biden đã có cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các lãnh đạo Quốc hội để tìm giải pháp cho vấn đề trần nợ công.
Cuộc gặp ở Nhà Trắng diễn ra chỉ hơn hai tuần trước ngày 1-6, thời điểm được dự báo là ngày nước Mỹ chính thức vỡ nợ nếu không giải quyết xong việc nâng giới hạn nợ công.
Áp lực với ông Biden
Hiện tại, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mốc 31,4 ngàn tỉ USD. Theo quy định về trần nợ, chính phủ không thể vay nhiều hơn mức này. Điều đó có nghĩa chính phủ sắp cạn tiền và không thể thanh toán các khoản nợ và các chi phí công.
Để huy động tài chính trang trải nợ trái phiếu hoặc chi phí công như phúc lợi xã hội hay lương cho công chức, chính phủ cần phải vay thêm tiền. Vì vậy, Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đang muốn Quốc hội nâng mức trần nợ.
Tuy nhiên, vay thêm tiền cũng chỉ là giải pháp tạm thời và có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. Do đó, động thái này bị Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện phản đối. Phe Cộng hòa chấp nhận nới trần nợ, nhưng đặt điều kiện chính quyền phải cắt giảm chi tiêu công. Họ phản đối chính sách giảm thuế của phe Dân chủ, cho đây là yếu tố khiến ngân sách cạn kiệt. Hồi tháng 4, Hạ viện thông qua luật tăng 1,5 ngàn tỉ USD trần nợ, đi kèm cắt giảm chi tiêu 4,8 ngàn tỉ.
Phe Dân chủ không đồng ý với các điều khoản khác trong luật trên. Việc cắt giảm chi tiêu công sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt dự án an sinh xã hội, vốn là mục tiêu và được cho là "chiến thắng" về mặt chính sách của chính quyền ông Biden. Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử đang bắt đầu, Đảng Dân chủ có lý do để không muốn giảm chi tiêu công và theo đó là hàng loạt chính sách bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nói cách khác, ông Biden và phe Cộng hòa phải tìm giải pháp cho sự cân đối giữa việc tăng trần nợ và giảm chi tiêu công. Theo khảo sát của Reuters/Ipsos hôm 15-5, có 76% số người Mỹ cho rằng hai bên phải đạt thỏa thuận về trần nợ do lo ngại việc vỡ nợ sẽ khiến họ gặp áp lực tài chính.
Mối lo kéo dài
Trước cuộc họp trên, đa số không tin rằng hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung trong thời gian gấp rút. Thư ký báo chí Nhà Trắng cho hay tại cuộc họp, Tổng thống Biden nhắc lại quan điểm việc nâng trần nợ là trách nhiệm theo hiến pháp của Quốc hội.
Trong khi đó, giới quan sát vẫn hy vọng các bên có thể nhượng bộ. Theo dân biểu Don Bacon của Đảng Cộng hòa, một thỏa thuận tiềm năng có thể chứa các chi tiết như việc tăng trần nợ 2% thay vì 1% như mong muốn của phe Cộng hòa.
Tuy nhiên, sự gấp gáp đang tạo khó khăn cho đàm phán. Cuộc họp ngày 17-5 diễn ra chỉ một ngày trước khi ông Biden lên đường sang Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G7. Được hỏi liệu ông Biden có thể đi Nhật khi không đạt thỏa thuận nào về trần nợ không, Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy nói hôm 16-5: "Nhìn xem, tôi nghĩ một tổng thống Mỹ thì nên tập trung vào các giải pháp cho người Mỹ. Và tôi cho điều này diễn tả những giá trị và ưu tiên của bạn".
Bế tắc kéo dài cũng sẽ mang tới nhiều mối lo, bất kể kết quả đàm phán ra sao. Trường hợp tương tự năm 2011 đã khiến xếp hạng tín dụng của nước Mỹ giảm kỷ lục trong lịch sử, dẫn tới việc bán tháo chứng khoán và đẩy chi phí vay trong nước lên cao. Tình hình hiện nay cũng đã khiến chi phí bảo hiểm rủi ro của Chính phủ Mỹ lên mức cao kỷ lục.
Ngày 16-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục cảnh báo nền kinh tế Mỹ đang hứng chịu hậu quả và tăng gánh nặng nợ quốc gia. Trước đó, bà Yellen từng khẳng định việc Mỹ vỡ nợ sẽ tạo ra một "thảm họa kinh tế và tài chính", gây suy thoái kinh tế toàn cầu và có nguy cơ làm suy yếu khả năng lãnh đạo toàn cầu của quốc gia này.
Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới đang là đồng USD. Việc giảm giá trị đột ngột của USD trong trường hợp vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu kho bạc. Theo Trung tâm nghiên cứu Council on Foreign Relations (tại New York, Mỹ), các quốc gia thu nhập thấp đang mắc nợ sẽ khó khăn hơn khi trả lãi cho nợ công. Khi đồng USD suy yếu, các khoản nợ bằng đồng tiền khác sẽ nặng nề hơn dễ đẩy các nền kinh tế mới nổi vào khủng hoảng nợ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ có thể hưởng lợi từ đồng USD yếu, đó sẽ là thông tin không tích cực với các đối tác xuất khẩu của Mỹ, nhưng doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ phải chịu chi phí vay cao hơn do lãi suất tăng.
Nguồn: báo Tuổi Trẻ