Những khúc gỗ bị lũ cuốn dạt vào cửa biển "đổi phận" thành những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật độc lạ, giá bán lên tới cả ngàn đô la. Một đầu bếp người Hội An với tay đục tay chạm bỗng thành nghệ sĩ.

Dắt mèo củi lũ đi chơi xuân - Ảnh 1.

Xuân Quý Mão này, bộ sưu tập mèo từ củi lũ được khắc vẽ xuất hiện sang trọng trong các gian triển lãm tại Hà Nội và mang theo những câu chuyện thú vị đó.

Những ngày cận Tết, xưởng đục có tên "Làng Củi Lũ" của Lê Ngọc Thuận nằm ngoài rìa phố cổ chộn rộn tiếng đục đường chạm, tiếng khách du lịch lao xao tìm tới để tận mắt chứng kiến những thanh củi hóa thân. Vốn là một đầu bếp, chủ nhà hàng chuyên dòng khách Tây ở Hội An, Thuận đang gần như gác hẳn việc kinh doanh để mời anh em nghệ nhân ở các làng nghề, trong đó có nhiều người trẻ, tập trung về xưởng đục của mình chế tác các sản phẩm điêu khắc mỹ thuật cung cấp ra thị trường Tết. Hành trình đến với nghệ thuật của Thuận bắt đầu từ một sự tình cờ trong những ngày rảnh việc vì COVID-19, nguồn khách đứt hẳn. Lang thang dọc sông dạo chơi, Thuận phát hiện rất nhiều củi lũ trôi dạt nằm tấp ở bãi cát. Thuận nhặt mấy khúc về rửa sạch, chọn những hình dạng phù hợp chế tác thành các đồ vật trang trí như bầy cá, cây thông Noel, chén bát… Khách du lịch quay lại, bắt gặp và thích thú đặt mua. Có đầu ra, Thuận tiếp tục phát huy năng khiếu trong món hàng mới, có bức tranh ghép bằng củi mục bán được cả ngàn đô la.
Dắt mèo củi lũ đi chơi xuân - Ảnh 2.

Tay đục đường chạm biến khúc củi thành tượng nghệ thuật và ông đầu bếp Lê Ngọc Thuận thành nghệ sĩ - Ảnh: B.D.

Rồi một lần trong số khách đến ngắm nghía những khúc củi được chạm khắc với sự hồn nhiên ấy có họa sĩ Lê Thiết Cương. Phát hiện năng khiếu ẩn giấu của Thuận, ông hướng dẫn rồi kết nối để đưa các sản phẩm của Thuận ra triển lãm ngoài Hà Nội. Con đường hóa thân cho củi lũ đã đến.
Một lần triển lãm, người xem bỗng đặc biệt thích thú và đặt mua nhiều chú mèo được chạm khắc theo kiểu nguyên sơ, chất phác của người Cơ Tu với vẻ mặt ngây thơ, đủ hình dạng và tư thế khác nhau. Thuận liền về mở xưởng đục, gọi anh em thợ về, rồi sưu tập các đường nét của văn hóa người Cơ Tu để đưa vào tác phẩm. Bộ sưu tập tượng mèo chào đón năm mới Quý Mão ra đời. "Mùa xuân là mùa của thăm nom, vui vẻ. Trong các con giáp thì Mèo là con vật thân thuộc, gần gũi với con người. Tôi thích mèo và muốn các chú mèo của mình khi nhìn vào ai cũng thấy được sự vui tươi, hồn nhiên" - Thuận nói. Để đa dạng hơn cho các tác phẩm của mình, Thuận còn "mặc áo" cho mèo bằng các bộ trang phục như áo dài khăn đóng có chữ Phúc - Lộc - Thọ phía giữa thân. Có những bức tượng nhìn qua tưởng chuột nhưng lại mang linh hồn mèo, mèo dự đám cưới chuột, mèo nằm lười biếng trước những chú cá béo mũm nhởn nhơ trước mặt…
Dắt mèo củi lũ đi chơi xuân - Ảnh 3.

Bộ sưu tập mèo vui chào đón xuân Quý Mão của Lê Ngọc Thuận - Ảnh: B.D.

Và rất nhanh, Thuận nay cũng đã tư duy nghệ thuật thực sự chứ không còn tay ngang nữa: "Dù bất cứ hình hài nào nhưng tôi cố gắng đưa sự tươi vui, khỏe khoắn, lanh lợi và hiền lành của mèo vào tượng gỗ. Mèo thường ngày đã vô tư, mèo xuân lại càng phải vui vẻ, khỏe khoắn để người chơi cảm thấy sự an lạc. Để tạo hình mèo thì tôi bám vào cá tính, sự linh hoạt và tập tính của nó để đưa vào điêu khắc dưới bàn tay của nghệ nhân với cách nhìn hiện đại nhưng không mất đi tính truyền thống của Việt Nam". Ngoài việc phục vụ chơi xuân, các sản phẩm điêu khắc mỹ thuật mèo và 11 con giáp được đánh giá là sản phẩm sáng tạo trên nền tảng văn hóa bản địa phù hợp với xu hướng sống xanh, tái chế rác thải và được các sở ban ngành tại Quảng Nam khuyến khích phát triển và chọn làm quà tặng cho các đoàn khách ngoại giao. Lê Ngọc Thuận cho biết trong năm 2023 sẽ đưa bộ sưu tập 12 con giáp, trong đó có "đàn mèo ngây ngô" của mình qua Ý, Đức theo lời mời của UNESCO và TP Hội An để quảng bá văn hóa Việt Nam.
Theo tuổi trẻ