Nếu trong hơi thở có nồng độ cồn, nhưng xét nghiệm máu không có thì ai là người sẽ chịu tiền xét nghiệm, chưa kể mất thời gian.

 

Vài ngày trước, Cục CSGT và Bộ Y tế đã trả lời về vấn đề mà nhiều người quan tâm là trị số cồn bình thường trong cơ thể. Theo đó CSGT nói rằng từng ghi nhận, dù hãn hữu, có người sau khi thổi nồng độ cồn, không chấp nhận nên vào bệnh viện xét nghiệm, và nồng độ cồn thấp thì không bị xử phạt.

Vậy là ai đó sẽ tốn thêm một buổi, nhanh thì vài tiếng đồng hồ, và tốn thêm tiền để đi xét nghiệm. Những phí tổn tiền bạc, công sức này ai sẽ là người phải trả? Chẳng phải là người dân hay sao.

Vậy là, chúng ta có luật, nhưng luật làm khó người dân, thì có nên thay đổi hay không. Tôi chưa cần bàn tới chuyện ăn thực phẩm có một lượng cồn nhỏ hay uống thuốc hay gì gì đó có thể tạo ra cồn trong hơi thở mà không do rượu bia. Tôi chỉ nói tới một trường hợp duy nhất là sai số của máy đo thôi.

Vậy tại sao không thực hiện một cách đơn giản là tạo ra một khoảng sai số, để nếu có nằm trong khoảng sai số đó sẽ không bị phạt. Các nước trên thế giới áp dụng vùng xanh nhỏ nhất là khoảng 0,02% (0,02 g/100 ml khí thở). Nếu mà sợ ai đó vin vào con số này để uống, thì ta lấy số nhỏ hơn nữa đi, 0,01% chẳng hạn. Miễn là phải tạo ra một con số, một vùng dữ liệu mà ở đó có thể xảy ra các sai số của máy móc, và của chính cơ thể con người.

Bộ Y tế quy định trị số bình thường là 0,05 g/100 ml khí thở cơ mà. Vậy ở tầm 0,01 thì chắc không có ai say nổi đâu nhỉ? Chỉ cần một cách đơn giản là tạo ra khoảng xanh này, chúng ta sẽ có điều luật không làm khó người dân, mà vẫn đảm bảo đủ tính răn đe. Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?