Cao huyết áp là một bệnh lý phổ biến, và ngày càng trẻ hoá. Hầu hết nhiều người đều không biết mình mắc bệnh cho đến khi xuất hiện những triệu chứng rõ rệt, cùng những bệnh lý nguy hiểm đi kèm như tim, thận… để kiểm soát tình trạng bệnh, thì người bệnh buộc phải dùng thuốc để giúp điều hoà huyết áp. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị, khi huyết áp dần ổn định thì nhiều người bệnh thượng trở nên lơ là, thậm chí bỏ ngang việc dùng thuốc điều trị. Điều này liệu có đúng hay không và sẽ dẫn đến hậu quả ra sao?

Vấn đề chính cần lưu ý, cao huyếp áp là tình trạng bệnh lý không bao giờ khỏi hẳn hoàn toàn. Nó chỉ được kiểm soát nhờ thuốc, kết hợp cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bệnh. Những trường hợp dùng thuốc sai cách, ngưng thuốc sẽ không thể đạt được hiệu quả điều hoà như mong muốn. Trong đó có thể kể đến những trường hợp sau:

Không sử dụng thuốc đều

Đây là tình trạng phổ biến ở người bệnh, chỉ uống thuốc khi huyết áp tăng cao, khi tình trạng ổn định lại ngưng sử dụng. Việc hiểu sai về tính chất của thuốc điều trị huyết áp, không uống đúng, đều, đủ mỗi ngày chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do tình trạng cao huyết áp gây ra tai biến, đột quỵ, … có thể để lại những di chứng nặng nề.

Do vậy, đối với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh, cần tuân thủ uống thuốc đều đặn mỗi ngày, theo đúng đơn thuốc được kê. Không tự ý đổi thuốc trên toa của bác sĩ, có thể hẹn giờ báo thức để có thể uống thuốc đúng giờ mỗi ngày.

Không tái khám thường xuyên

Là bệnh lý mãn tính, nên việc thăm khám thường xuyên là điều rất quan trọng đối với bệnh nhân cao huyết áp. Điều này, sẽ giúp bác sĩ có thể theo dõi tình trạng bệnh, mức độ thích ứng với thuốc, để có thể đưa ra những chẩn đoán kịp thời, cùng những loại thuốc phù hợp với từng giai đoạn bệnh của bệnh nhân.

Không theo đúng phác đồ điều trị và uống thuốc không đúng hướng dẫn.

Nhiều bệnh nhân tự ý tăng giảm liều lượng thuốc vì những lý do như: cảm thấy không hiệu quả, sức khoẻ đi xuống, sợ những tác dụng phụ… điều này hết sức nguy hiểm, và gần như phản lại sự cố gắng điều trị của bác sĩ đối với bệnh nhân.

Ví dụ: Bác sĩ kê toa 2 viên/ 1 ngày, nhưng sau khi uống thuốc được một thời gian ngắn, thấy huyết áp ổn định thì tự ý giảm xuống 1 viên/ 1 ngày. Điều này kéo dài sẽ gây nên tình trạng lờn thuốc, hoặc tình trạng hoạt chất thuốc không đủ trong máu, không tiếp tục kiểm soát được huyết áp. Tương tự, nếu người bệnh tự ý tăng liều vì bất cứ nguyên nhân gì, cũng có thể dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, truỵ mạch… thậm chí là tử vong.

Cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn sử dụng và toa thuốc của bác sĩ

Một nguyên nhân nữa khiến hiệu quả của thuốc không đạt như mong muốn, thậm chí dẫn đến tình trạng tích tụ độc tố trong cơ thể, chính là do sử dụng thuốc không đúng khoảng cách thời gian quy định. Thời gian bán thải của thuốc quyết định số lượng viên thuốc phải uống trong ngày. Do vậy, khoảng cách uống thuốc được quy định rất chặt chẻ từ phía bác sĩ kê toa. Việc tuân thủ đúng thời gian uống và liệu lượng thuốc, là cách để đảm bảo thuốc có nồng độ ổn định, các tổ chức bị bệnh ở ngưỡng có hiệu lực để trị bệnh.

Tự ý dùng thêm những thuốc khác để kết hợp điều trị

Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân mắc nhiều bệnh cùng lúc với bệnh lý cao huyết áp. Do vậy, họ cần dùng thêm nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị những bệnh lý đó, có thể kể đến như: viêm khớp, tiểu đường, bệnh lý cảm cúm thông thường… trong trường hợp này, nếu người bệnh tự ý mua thuốc mà không kê khai để tuân theo toa thuốc của bác sĩ, sẽ dễ dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Vì nhiều loại thuốc nếu sử dụng cùng lúc sẽ gây ra những tương tác bất lợi cho bệnh nhân. Ví dụ: Nhóm corticoid là thuốc giúp điều trị bệnh về xương khớp, hen…. nhưng lại có tác dụng phụ là giữ muối và nước, gây tăng huyết áp.

Ngưng sử dụng thuốc giữa chừng

Đây là tình trạng khá phổ biến và nguy hiểm nhất. Trong quá trình điều trị, không ít người bệnh cảm thấy tình trạng huyết áp, và sức khoẻ dần cải thiện, ổn định hơn…. thì họ ngay lập tức ngưng sử dụng thuốc. Cho đến khi bệnh chuyển biến nặng, kéo theo những triệu chứng nguy kịch như đột quỵ, thì dù có hối hận cũng đã muộn.

Như đã nói ở trên, cao huyết áp là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi. Do vậy nguyên tắc chính trong việc điều trị bệnh là buộc phải sử dụng thuốc lâu dài, thậm chí là trọn đời. Người bệnh cần tuân theo đúng nguyên tắc ấy, để duy trì phác đồ điệu trị của bác sĩ. Kết hợp với thăm khám định kỳ, để có thể có sự điều chỉnh loại thuốc và liều dùng hợp lý.

Ngoài việc sử dụng thuốc đúng cách, thì chế độ ăn uống, thể dục thể thao cũng giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh lý cao huyết áp. Cần duy trì những bài thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng cơ thể, tránh vận động mạnh quá sức sẽ dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Tránh những loại thực phẩm gây hại như bia, rượu, thuốc lá… nên ăn nhiều chất xơ, và không nên ăn mặn. Đặc biệt, cần giữ cho bản thân có một tinh thần thoải mái, tránh tình trạng stress, trầm cảm, lo âu. Theo dõi, đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.