Bánh tráng trộn một là món ăn đơn giản, bánh tráng được trộn cùng những nguyên liệu cũng không quá cầu kỳ, lại tạo ra hương vị khá ngon và cuốn hút. Do vậy, nó đã trở thành món ăn khoái khẩu của rất nhiều bạn trẻ trong nhiều năm trở lại đây. Bánh tráng trộn nhìn qua tưởng chừng vô hại nhưng thật ra có rất nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận về tác hại của nó.
Nhập nhèm nguồn nguyên liệu
Nguyên liệu để làm bánh tráng trộn có thể dễ dàng tìm mua ở những khu chợ đầu mối như chợ An Đông, chợ Bình Tây.. với đa dạng chủng loại, và giá thành đa phần đều rất rẻ. Cụ thể như, khô bò sợi xé sẵn chỉ có giá 190.000 – 310.000 đồng/ký, sốt mayonnaise thùng giá 165.000 đồng/thùng 3 ký; ruốc sấy 38.000 đồng/ký; nước sốt bò giá 44.000 đồng/ký, hành sấy giá 59.000 đồng/ký, muối giá 53.000 đồng/ký…Theo các tiểu thương tất cả đều là hàng trong nước.
Song trên thực tế, nếu so với gia thành nguyên liệu để làm ra những sản phẩm trên, thì không thể giải thích tại sao chúng lại có thể rẻ đến vậy. Cụ thể, thịt bò tươi tại chợ đang có giá 270.000 – 280.000 đồng/ký, khoảng 2-3 ký bò tươi mới làm ra được 1 ký thịt bò khô; hay như hành tươi thời điểm rẻ nhất có giá 40.000 – 50.000 đồng/ký, ảnh hưởng mưa bão thì có giá 70.000 – 80.000 đồng/ký, khoảng 3 ký hành tươi mới làm ra được 1 ký hành phi, đó là chưa kể tiền dầu ăn; còn ruốc khô được làm từ tép trấu tươi, có giá cũng trên 100.000 đồng ký, để ra một ký ruốc khô phải từ 5-7 ký tép trấu tươi.
Chủ một sạp thịt bò tại chợ Bà Hoa, Q.Tân Bình cho biết “khô bò giá rẻ thường là hàng thùng nhập từ Trung Quốc có giá chỉ khoảng 130.000 đồng/ký. Các loại ruốc, hành phi, sốt mayonnaise phải nhập từ Trung Quốc về thì mới có giá rẻ. Nếu nhập chính ngạch thì không đáng bàn, nhưng nếu hàng nhập lập thì rất khó kiểm soát về chất lượng. Nhiều điểm bán hàng trên “chợ” mạng cũng khẳng định, các loại khô bò dùng trộn bánh tráng phần lớn nhập từ Trung Quốc, mua loại khô bò giá rẻ này thì bán mới có lời.”
Bánh tráng trộn mồ hôi, bụi đường, vi khuẩn….
Bánh tráng trộn là loại hình thường được buôn bán chính trên những xe, gáng hàng rong ven đường. Trên hầu hêt những con đường, hẻm hóc, chúng ta dễ dàng bắt gặp những điểm bán bánh tráng. Và quan trọng, hầu hết những nguyên liệu được bày trên xe như: muối, hành phi, trứng, các loại rau răm, xoài… đều không được che đậy kỹ.
Một số điểm bán, người bán ngồi bệt hẳn xuống lòng đường đầy rác, và bụi bẩn để trộn bánh cho khách, thì dù nguyên liệu có sạch cũng dễ dàng bị nhiễm khuẩn. Song trên thực tế, tất cả gia vị và nguyên liệu trộn hầu hết đều chỉ được đựng trong các hũ nhựa cũ kỹ, cáu bẩn, không được che đậy, thu hút nhiều ruồi nhặng và bám đầy bụi đường vi khuẩn là điều chắc chắn.
Dù người bán thường vẫn sử dụng bao tay trong quá trình trộn, nhưng những chiếc bao tay nhuốm vàng (màu sa tế, sốt trộn…), liệu có thật sự sạch?? Tôi không chắc nó có thật sự được dùng để giữ vệ sinh cho món ăn, hay để giúp người bán đỡ dơ tay, vì hầu hết chúng được sử dụng lại rất nhiều lần, bám đầy bụi dơ, thức ăn cũ và vi khuẩn…
Không chỉ vậy, những đôi tay trần vừa dùng để lột trứng, gọt xoài, bốc bánh tráng.. chẳng mấy chốc lại nhanh nhảu thối tiền cho người mua, rồi lại quay lại công việc ấy mà không qua bất kỳ một công đoạn rửa hay sát khuẩn nào. Trong khi tiền được xem là nơi ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn, được trao tay rất nhiều người. Cứ thế, người mua kẻ bán tấp nập, món bánh tráng trộn được tạo ra, chắc chắn không chỉ trộn bằng những nguyên liệu mà mắt thường có thể nhìn thấy được.
Nguy cơ ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng
BS Lê Thị Tuyết Phượng, phó khoa nội tiêu hoá – gan mật, bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, gần đây bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm giun sán, đặc biệt giun đũa.
Những gánh hàng rong được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng trên. Trong đó, không loại trừ món bánh tráng trộn, bởi những loại giun đũa từ chó, mèu có thể từ tay người bán không được vệ sinh thương xuyên xâm nhập vào món ăn. Hoặc cũng có thể do chó, mèo trực tiếp truyền vào thức ăn khi hầu hết người bán đều trộn bánh ngay dưới lòng đường, vỉa hè… nơi không đảm bảo vệ sinh.
Theo ThS.BS Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn dinh dưỡng, đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), với những mẹt hàng bánh tráng trộn bán rong, hầu hết không an toàn cho sức khoẻ người dùng. Yếu tố đầu tiên kể đến là các loại bịch nilông đựng bánh. Nguồn gốc các loại nilông này luôn không rõ ràng, và đa số sản xuất từ nhựa tái chế, thậm chí có sản phẩm còn mùi nhựa. Điều này không tốt cho sức khoẻ người sử dụng.
Không chỉ vậy, những loại nguyên liệu dùng để trộn như muối tôm, bò khô, ruốc, hành phi…. Đều được trộn thêm nhiều phẩm màu, gia vị không rõ nguồn gốc để hạ giá thành, tạo sự bắt mắt, hương vị cuốn hút cho món ăn. Những nguyên liệu ấy còn thường được sử dụng lại, trong điều kiện bảo quản không tốt dễ sinh nấm mốc, các loại vi khuẩn gây hại cho cơ thể…. Khi người ăn vào dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, biểu hiện như: nôn ói, nhức đầu, thậm chí nếu nặng có thể để lại những di chứng về thần kinh rất nguy hiểm.
Hàm lượng dinh dưỡng thấp
Chúng ta thường cho rằng, trong bánh tráng trộn có nhiều nguyên liệu như: muối tôm, trứng cút, khô bò, xoài, rau, … mỗi loại có một đặc tính dinh dưỡng riêng, nên đây là một món ăn có thể cung cấp nhiều dưỡng chất, thậm chí có thể ăn thay cơm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia , đây là quan niệm sai lầm, bởi hàm lượng dinh dưỡng từ các nguyên liệu trên trong một bịch bánh tráng không đáng kể. Trái lại, những nguy cơ ngộ độc, nhiễm giun sán… thì lại luôn cao. Vì thực tế, những nguồn nguyên liệu ấy đều được chế biến không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc, pha trộn cùng nhiều tạp chất có hại, có nhiều chất bảo quản…. tất cả đều là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với cơ thể.