Các thương nhân xuất khẩu gạo đang nỗ lực thu mua để đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thành các đơn hàng khi nhu cầu nhập khẩu trên thế giới tăng cao, đẩy giá gạo tăng mạnh trong 2 tuần qua.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tăng thêm 5 USD/tấn

Theo các thương nhân xuất khẩu gạo, trong tuần này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao và mức giá bình quân ước đạt 500 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn so với tuần trước.

“Các nhà xuất khẩu đang tích cực thu mua lúa để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, đẩy giá trong nước tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Có những hợp đồng, doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu với giá 560 USD/tấn và doanh nghiệp cố gắng gom đủ hàng để xuất đi” - ông Nguyễn Quang Hòa - Tổng Giám đốc Dương Vũ Rice cho biết.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cũng cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Trung An liên tiếp trúng các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc. Sau khi trúng thầu 20.000 tấn gạo loại 100% tấm, tháng 4.2023 Trung An trúng thầu lô 11.347 tấn. Đặc biệt, ngày 22.6 vừa qua, Trung An đã trúng thầu thêm 16.667 tấn gạo xuất khẩu sang Hàn Quốc với giá lên tới 674 USD/tấn. Trung An sẽ giao hàng trong tháng 9 tới đây”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,62 triệu tấn. Ngoài số lượng xuất khẩu tăng, hiện nay giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao rất lạc quan, đặc biệt, giá gạo của Việt Nam hiện đang cao hơn giá gạo của Thái Lan.

Ngày 27/6/2023, sau khi tăng thêm 5 USD/tấn, hiện nay giá gạo bình quân 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đang được xuất khẩu ở mức tương ứng là 508 USD và 488 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 5-7 USD/tấn.

Lí giải nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, các thương nhân ngành lúa gạo khẳng định ngoài nhu cầu thế giới tăng, thì nguyên nhân cơ bản nhất là chất lượng gạo của Việt Nam hiện nay được chú trọng và chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng thế giới.

Khảo sát sơ bộ của Lao Động ngày 28/6 cho thấy, tại Kiên Giang, nhiều giống lúa chất lượng cao, phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu đang được thương lái thu mua với giá cao, giá lúa cũng tăng bình quân 500-600 đồng/kg so vụ hè thu năm trước. Cụ thể, giá lúa tươi OM18 tại ruộng có giá 6.800 đồng/kg, lúa OM 5451 giá 6.400-6.500 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 có giá từ 6.800-7.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá từ 7.800-8.000 đồng/kg…

“Với lợi thế này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay, khi nhu cầu thế giới tiếp tục tăng và nguồn cung không tăng” - ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam nhận định.

Xuất khẩu gạo đang rất lạc quan khi nhu cầu thế giới tăng đẩy giá gạo tăng mạnh. Ảnh: Tân Long
Xuất khẩu gạo đang rất lạc quan khi nhu cầu thế giới tăng đẩy giá gạo tăng mạnh. Ảnh: Tân Long

Đẩy mạnh chương trình 1 triệu hécta lúa chất lượng cao

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, sản xuất lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, lúa gạo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ thế giới có thêm nguồn cung để đảm bảo vấn đề này, đặc biệt là các quốc gia sử dụng nhiều lúa gạo như: Philippines, Indonesia, châu Phi, Bờ Biển Ngà...

Về nguồn cung, Việt Nam tự tin không chỉ đảm bảo nguồn cung phục vụ vấn đề an ninh lương thực trong nước mà còn dư thừa để xuất khẩu. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trung bình mỗi năm sản lượng lúa của Việt Nam ước đạt khoảng 43 triệu, với khoảng 26-28 triệu tấn gạo.

“Ngoài khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước, Việt Nam có thể XK khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo/năm” - ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.

Được biết, trong số khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2023, cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: Gạo chất lượng cao: 3 triệu tấn; gạo thơm, đặc sản: Trên 2 triệu tấn; số còn lại thuộc nhóm gạo chất lượng trung bình và nếp.

Điều đáng nói là, hiện nay cơ cấu ngành lúa gạo của Việt Nam đang không ngừng thay đổi theo hướng giảm trồng và tăng năng suất, chất lượng để đạt giá trị cao hơn. Dự kiến tới năm 2025 Việt Nam sẽ thực hiện đạt 719.000 ha lúa chất lượng cao gắn tăng trưởng xanh và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu hécta.

Theo báo Lao động