“Một lần bất tín, vạn lần bất tin” cha ông ta từ ngày xưa đã răn dạy như vậy. Chỉ một lần bạn không giữ lời hứa, thì sau này những lời bạn nói ra đều không còn đáng tin tưởng được nữa.

Ai cũng là người có lỗi khi phá vỡ một lời hứa cho dù vì bất cứ lý do gì, và chúng ta đều cảm thấy thất vọng khi người khác không giữ lời hứa. Mọi lời hứa khi bạn nói ra đều đáng được trân trọng, và mỗi lời nói ra đều sẽ được nhận lại một niềm tin. Đánh mất niềm tin cũng chính là tự hạ thấp danh dự của bản thân mình. Không phải tự nhiên câu “lời hứa ngàn vàng”, lại dùng để hàm ý nói lên giá trị to lớn của lời hứa. Khi ai đó thốt ra một lời nói, tức họ đang đánh cược cả sự tự tôn và danh dự của bản thân vào lời nói đó. Nên nếu không làm được, chẳng khác gì đánh mất đi cả gia tài ngàn vàng, mà có thể cả đời sẽ không thể tìm lại được.

Đây không chỉ là cái ngoắc tay đơn giản, mà đó chính là niềm tin được cho đi và nhận lại

Nhưng điều đáng buồn, là không phải ai cũng coi trọng lời mình nói ra. Rất nhiều trường hợp chỉ nói cho qua chuyện, nói cho vui, nói cho có vậy thôi…. Họ thường biện minh bằng một chử “quên”, hay đơn giản chỉ vì không muốn làm hài lòng ai đó ở tại một thời điểm mà nói đại cho xong. Nhưng tất cả lý do chỉ là nguy biện, nỗi buồn và sự thất vọng mà họ gây ra cho người khác là không thể thay đổi, thậm chí còn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn họ nghĩ. Một đứa bé khóc vì thèm ăn kem, bạn vì cảm thấy ồn ào nên chỉ nói bừa “đừng khóc,lát dẫn đi ăn”, đứa trẻ ấy nín và chờ đợi, chờ đợi trong sự hân hoan. Nhưng cái “lát” của bạn chỉ mãi là lời nói suông, bạn có thể quên ngay sau đó nhưng liệu có phải vô tình bạn đã làm tổn thương tâm hồn của một đứa trẻ hay không? Liệu sau này đứa trẻ đó có còn ngoan ngoãn nghe lời để được thưởng nữa hay không? Hay nó sẽ sẵn sàng chống đối để đạt bằng được điều mình muốn. Tệ hơn, bạn đã vô tình gieo vào tâm trí non nớt ấy suy nghĩ “nói cho vui”. Khi đứa trẻ lớn lên biết đâu cũng sẽ tự coi thường lời hứa của chính mình như điều mà nó học được từ khi còn nhỏ.  

Thất hứa là biểu hiện của việc thiếu nghiêm túc, thiếu sự chân thành. Bỡi một người thật sự nghiêm túc dù là trong công việc hay bất cứ mối quan hệ bình thường nào, cũng sẽ đặt vị trí của người tiếp nhận thông tin lên hàng đầu. Họ có thể hiểu được tâm trạng của người đang chờ đợi, đang vui vẻ kỳ vọng về mình như thế nào, để không nỡ làm tổn thương những người đã trao niềm tin cho mình. Trong trường hợp bất khả kháng, khi vì những lý do chính đáng để bạn không thể thực hiện lời điều mình nói, thì cũng đừng nên lãng tránh. Sự nỗ lực hết mình, cùng một lời xin lỗi thật tâm sẽ luôn nhận được sự đồng cảm, và chấp nhân tha thứ từ bất cứ ai.

Nguồn ELLE

Nhưng cũng không nên để tình trạng trên xảy ra qua nhiều. Vì 1 lần có thể bất cẩn, 2 lần có thể vô ý, nhưng đến lần thứ 3 thì chắc chắn là cố tình. Trước khi nói, hay hứa một điều gì đó cần phải tự biết lượng sức mình, tự nhắm được sự việc đó có trong tầm kiểm soát của bản thân hay không? khả năng có thể giúp được hay thực hiện được có cao không? Từ đó, hãy đưa ra quyết định chừng mực cho những lời mình nói ra. Giữ gìn lời hứa chính là cách đơn giản nhất để tạo dựng uy tín, và giá trị cho bản thân. Việc tôn trọng lời nói của chính mình, coi trọng người nghe chính là nền móng để xây dựng lên những mối quan hệ bền vững trong công việc, hay đơn giản chỉ là trong những mối quan hệ xã hội. Bạn sẽ dễ dàng thành công hơn, nhờ sự chính chắn của mình, sẽ dễ “sống” hơn nhờ sự tin tưởng và thương yêu của mọi người.

Ở thời điểm mà nhịp sống trở nên quá nhanh như hiện tại, mọi người dường như có nhiều việc để làm, nhiều chuyện để lo hơn là quan tâm đến giá trị đích thực của lời hứa. Do đó, nếu may mắn tìm được cho mình một người bạn, một đồng nghiệp, hay một người bạn đời… biết trân trọng giá trị đạo đức ấy, thì xin hãy trân quý họ, bỡi đó cũng là một sự may mắn của chính bạn.