Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho biết Moscow thấy không cần thiết phải đàm phán về tình hình Ukraine ở thời điểm hiện tại.
"Làm thế nào bạn có thể tham gia các cuộc đàm phán bình đẳng với một quốc gia đang chịu sự tác động từ bên ngoài? Các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra với "các ông chủ" của họ, cụ thể là với Washington. Ngoài ra, không có bên đàm phán nào khác", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram hôm 20/5.
Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, bất kỳ sáng kiến nào nhằm tạo điều kiện cho việc tiến hành đàm phán bình đẳng giữa Nga và Ukraine đều nên bị bác bỏ. Theo bà Leyen, các quốc gia thành viên của nhóm G7 phải ủng hộ kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chính quyền Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố Ukraine sẽ không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ để đạt thỏa thuận hòa bình với Moscow. Kiev cũng đưa ra đề xuất hòa bình 10 điểm, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân, khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine.
Ông Medvedev cho rằng, các cuộc đàm phán hiện tại chỉ có thể diễn ra về chủ đề "trật tự thế giới hậu xung đột".
"Tuy nhiên, còn quá sớm để nói về điều đó. Đó là lý do không cần thiết phải có bất kỳ cuộc đàm phán nào vào lúc này", cựu Tổng thống Nga nói thêm.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 4 nhấn mạnh bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine cũng cần dựa trên cơ sở xét đến các lợi ích của Nga và tập trung vào các nguyên tắc nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới. Ông Lavrov tuyên bố Nga phản đối trật tự thế giới đơn cực do "một quốc gia bá chủ" lãnh đạo.
Moscow từ lâu nói rằng Nga đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại sự thống trị của Mỹ trên trường quốc tế và lập luận rằng chiến dịch quân sự ở Ukraine là một phần của cuộc chiến đó. Điện Kremlin cho biết Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến dịch quân sự và không nhận thấy giải pháp ngoại giao nào.
Nga cáo buộc việc Mỹ và đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và leo thang. Moscow cũng cảnh báo, tất cả khí tài của phương Tây đưa vào Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công và phá hủy hợp pháp của quân đội Nga.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 20/5 cho biết bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn Thế chiến thứ ba.
"Về cơ bản, nguyên tắc cốt lõi của tổng thống (Mỹ) là chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để hỗ trợ Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình và chúng tôi cũng sẽ tiến hành theo cách tránh được Thế chiến thứ ba", ông Sullivan nói bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản.
Politico đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị công bố một gói viện trợ quân sự mới gồm đạn pháo, xe bọc thép và vũ khí chống tăng cho chính quyền Ukraine trị giá 375 triệu USD. Politico dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, thông báo này sẽ được ông Biden đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine vào cuối tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh G7.
Theo Tass