Hai nhà vệ sinh công cộng ở khu đất 8-12 Lê Duẩn và 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, phục vụ miễn phí từ chiều 6/5, góp phần đáp ứng nhu cầu người dân, du khách.

Hai công trình được lắp đặt bằng các kiốt rộng 2 m, dài 4 m, một bên là khu vệ sinh, bên còn lại bố trí quầy bán nước, tổng kinh phí gần một tỷ đồng do doanh nghiệp đầu tư. Đây là hai trong 5 khu "đất vàng" đang để trống ở quận 1 được chính quyền thành phố cho dùng một phần diện tích xây tạm nhà vệ sinh, trong bối cảnh khu trung tâm đang rất thiếu.

Người dân trải nghiệm bên trong nhà vệ sinh (Ảnh: Phan Thu Hoài)
Người dân trải nghiệm bên trong nhà vệ sinh (Ảnh: Phan Thu Hoài)

Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong (nhà đầu tư), cho biết các nhà vệ sinh này có hệ thống cảm biến ở cửa khi người ra vào, đồng thời sử dụng men vi sinh tự động xử lý chất thải. Đây là các kiốt di động nên dễ tháo lắp, di dời qua địa điểm khác. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ đề xuất mở rộng thêm các nhà vệ sinh dạng này ở những khu vực khác có nhu cầu lớn tại thành phố.

Người dân trải nghiệm bên trong nhà vệ sinh (Ảnh: Phan Thu Hoài)
Nhà vệ sinh công cộng đặt tại khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn (P.Bến Nghé, Q.1) (Ảnh: Phan Thu Hoài)

Ngoài hai vị trí trên, quận 1 còn ba khu "đất vàng" cũng chuẩn bị được một nhà đầu tư khác lắp đặt nhà vệ sinh công cộng tương tự, gồm: thương xá Tax cũ (135 Nguyễn Huệ), khu mở rộng khách sạn Majestic số 2-4-6 Nguyễn Huệ và số 8 Nguyễn Trung Trực. Các nhà vệ sinh sẽ được tháo dỡ khi dự án được triển khai.

Ông Dương Thanh Bình, Phó phòng quản lý đô thị quận 1, cho biết trước đây trên địa bàn có một số nhà vệ sinh công cộng lắp đặt ở vỉa hè nhưng đã phá trong quá trình chỉnh trang đô thị. Việc bố trí các nhà vệ sinh ở quận hiện gặp nhiều khó khăn, nên hai công trình này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách. Ngoài phương án này, địa phương cũng vận động các chủ hộ, cơ sở kinh doanh cho người dân sử dụng nhà vệ sinh miễn phí; cải tạo các nhà vệ sinh cũ...

"Việc triển khai mô hình nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa trong giai đoạn này rất cần thiết, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt ở khu trung tâm", ông Bình nói.

Áp dụng công nghệ hiện đại

Ông Nguyễn Xuân Sáng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong (nhà đầu tư) cho biết, 2 nhà vệ sinh công cộng này được UBND Q.1 cho phép khởi công ngày 27.3 với mức kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng cho mỗi điểm.

Theo ông Sáng, việc lắp đặt các nhà vệ sinh này tương đối dễ, nhưng để duy trì thì công ty cần thực hiện theo phương pháp tiên tiến của nước ngoài. Nhà vệ sinh có chế độ tự động dội xả, rửa tay, lấy xà phòng và dùng hệ thống cảm biến nên hạn chế được phần nào bụi bẩn...Theo bà Lê Thị Thúy Vân, Giám đốc dự án nhà vệ sinh công cộng, Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong, nhà vệ sinh công cộng tự động miễn phí phục vụ người dân và khách du lịch sẽ được dọn vệ sinh 2 - 3 lần/ngày, tùy theo địa điểm và mức sử dụng. Chất thải được xử lý tự động, không có gây mùi hoặc các vi khuẩn gây hại cho con người. Quy trình xử lý chất thải hướng tới mục tiêu xanh - sạch - đẹp.

Mỗi ngày, nhà vệ sinh công cộng sẽ có đội xử lý các vấn đề liên quan đến vận hành, bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa.

Về vấn đề an ninh trật tự, nhà vệ sinh hoạt động thiết bị chống trộm 24/24 giờ. Đây là thiết bị thông minh, được kích hoạt đến số điện thoại của văn phòng đội bảo trì. Khi có bất kỳ sự xâm phạm, thiết bị sẽ thông báo đến đơn vị quản lý.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (màu xanh) có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa nhất Sài Gòn. Ảnh: Hữu Khoa
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (màu xanh) có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa nhất Sài Gòn. Ảnh: Hữu Khoa

Thống kê ở TP HCM hiện có 255 nhà vệ sinh công cộng, trong đó quận 1 có 18 khu, tại 13 địa điểm, gồm: 4 chợ, 7 công viên và một trạm xe buýt, một trong khu dân cư. Do khu vực trung tâm thành phố, tập trung nhiều người dân, du khách nên số lượng nhà vệ sinh ở quận 1 rất thiếu so với nhu cầu. Mới đây, địa phương đã vận động được hơn 100 cửa hàng kinh doanh đồ ăn, uống, dịch vụ du lịch cho khách vãng lai dùng nhà vệ sinh miễn phí.

Tổng hợp