Tôi lúng túng mất vài giây khi được anh công an phường hỏi nghề nghiệp của mình là gì.
Nơi tôi ở đang khẩn trương mời cư dân ra phường làm thẻ căn cước công dân gắn chíp và cài đặt ứng dụng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (VneID). Công an phường làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Do Quốc hội đang thảo luận Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thay thế Luật Căn cước công dân ban hành năm 2014, tôi có ý chờ luật mới để làm một thể. Nhưng các cuộc gọi, tin nhắn từ công an khu vực khiến tôi không thể nấn ná. "Em được giao chỉ tiêu rất gắt. Chị vui lòng làm trước căn cước gắn chíp, sau này thay đổi lại tính sau", anh cán bộ năn nỉ.
Các bước xác nhận thông tin nhân thân để hệ thống cập nhật chỉ mất vài phút. Nhưng tới phần khai báo nghề nghiệp, tôi phân vân không biết nên cung cấp sao cho chính xác. Tôi từng làm ba nghề ở các cơ quan khác nhau trước khi gắn bó với công việc hiện tại. Sau khi nghe tôi giải thích về công việc của mình, anh cán bộ kết luận: "Tôi sẽ ghi nghề nghiệp của chị là Khác".
Rời khỏi phường, tôi hơi hẫng hụt. Từ "nghề", gốc Hán "nghệ", chỉ tài năng, học vấn, kỹ thuật, như trong câu nói quen tai "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Ở các nước phương Tây, nghề (tiếng Anh: profession) cũng được hiểu là các công việc cần trình độ học vấn và đào tạo cao, như bác sĩ hay luật sư. Theo định nghĩa này, tôi cũng có thể khai mình là nhà báo, vì được đào tạo bài bản và đã thực hành nghề đủ lâu. Nhưng khai như vậy cũng sẽ thiếu chính xác, vì tôi đã trả lại thẻ nhà báo khi chuyển sang nơi công tác mới.
Kể cả khi hiểu "nghề" theo nghĩa công việc (tiếng Anh: occupation), nôm na là kế sinh nhai, không phải ai cũng dễ dàng gọi tên việc làm của mình. Khoảng hai chục năm về trước, vấn đề định vị công việc khá đơn giản, thường theo một số nghề nghiệp nhất định đã có. Nhưng hiện tại, các loại hình công việc đa dạng hơn nhiều. Ngay cả với các lao động "cổ trắng", việc khai báo là "nhân viên văn phòng" cũng không phù hợp vì hiện tại có nhiều công việc cho phép làm ở nhà hoặc từ xa. Tôi e rằng, cũng giống như trường hợp của tôi, nghề nghiệp của họ trên dữ liệu dân cư có thể chỉ vỏn vẹn từ "Khác".
Đó là chưa kể, nhiều kiểu việc còn chưa có tên tiếng Việt tương ứng, ví dụ youtuber, shipper, gamer, blogger, streamer, fashionista. Vì vậy, không chỉ riêng tôi, nhiều người có lẽ cũng lúng túng khi được yêu cầu khai báo nghề nghiệp của mình khi làm căn cước. Bên cạnh đó, việc đưa nhóm người lao động tự do và những người không có tên gọi nghề nghiệp cụ thể vào mục "Khác" trong cơ sở dữ liệu dân cư không giúp ích cho công tác quản lý hoặc thống kê.
Dự thảo Luật Căn cước sửa đổi do Bộ Công an đệ trình quy định 22 trường thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thêm chín thông tin khác trong cơ sở dữ liệu căn cước, bao gồm hai thông tin trình độ học vấn và nghề nghiệp. Theo Dự thảo Luật, các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời thông tin, tài liệu về căn cước khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác. Với việc chuẩn hóa dữ liệu toàn bộ dân số, việc từng người được yêu cầu cập nhật tình trạng học vấn hoặc nghề nghiệp khi có biến động đặt ra nhiều băn khoăn về cơ chế thực hiện, chưa kể các chi phí kèm theo.
Thảo luận Dự thảo tại Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ các loại thông tin cần tích hợp và đề xuất bỏ một số thông tin thiếu tính ổn định như nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, tình trạng khai báo tạm vắng, mối quan hệ với chủ hộ, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử. Các gợi ý này là rất đáng cân nhắc. Nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước là đảm bảo "lợi ích chung", cân bằng giữa nhu cầu tổng thể của xã hội và các quyền cá nhân. Quản lý ít thông tin dễ tạo điều kiện cho gian lận nhưng lưu trữ quá nhiều thông tin không cần thiết gây rối trong khâu quản lý và cập nhật.
Trước những bất cập khi xác minh và khai báo quê quán, Luật căn cước sửa đổi lần này đã đề xuất bỏ thông tin "quê quán" trên thẻ căn cước. Tuy mục này vẫn là một trong các trường thông tin được quy định trong cơ sở dữ liệu dân cư, đây là một bước tiến đáng ghi nhận của cơ quan quản lý. Rõ ràng, việc tham vấn đầy đủ các cá nhân và chủ thể liên quan trong khâu làm luật là rất quan trọng để đảm bảo ra đời các quy định chất lượng và có tính bền vững.
Song song, việc triển khai thí điểm ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước trong lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng và một số lĩnh vực kinh tế, xã hội khác cần được cân nhắc thấu đáo. Theo các quy định mới nhất, dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại là cơ bản và nhạy cảm. Tương ứng, mỗi loại thông tin có mức độ bảo vệ khác nhau. Thông tin nhạy cảm gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân, gồm đặc điểm sinh học, thông tin tại ngân hàng như định danh, tài khoản, tiền gửi, giao dịch. Việc tích hợp các thông tin giữa nhiều lĩnh vực đòi hỏi các nghĩa vụ pháp lý chặt chẽ dành cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.
Dù ở cấp độ luật, nghị định hay thông tư, mỗi lần sửa đổi văn bản pháp luật đều kéo theo chi phí lớn về nhân lực và vật lực. Người dân duy trì niềm tin vào hệ thống pháp luật thông qua sự ổn định và tính xác đáng của các quy định pháp lý.
Cẩm Hà
nguồn: https://vnexpress.net/khai-bao-nghe-nghiep-4613467.html