14/12/2022 - Phạm Trăm

Từ điểm du lịch cộng đồng Cầu Ngói Thanh Toàn chủ yếu phục vụ khách tham quan, du lịch, trải nghiệm vào ban ngày, chính quyền xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) cùng ngành văn hóa địa phương đã xây dựng và dần định hình nơi đây là khu vực tổ chức các phiên chợ đêm độc đáo, đậm chất dân dã diễn ra mang tính định kỳ. [caption id="attachment_2717" align="alignnone" width="2048"] Cây cầu ngói Thanh Toàn được trang trí lung linh chào đón du khách đến trải nghiệm phiên chợ đêm[/caption] Nhiều năm trở lại đây, mỗi lần Huế tổ chức các kỳ Festival, điểm du lịch cộng đồng Cầu Ngói Thanh Toàn luôn rực rỡ những sắc màu lễ hội và rộn ràng chào đón du khách thập phương bằng chương trình để lại nhiều ấn tượng là “Chợ quê ngày hội”. Đây là điểm đến tham quan, du lịch của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nếu như trước đó, cầu Ngói Thanh Toàn là điểm đến chủ yếu thu hút, phục vụ khách du lịch chỉ vào ban ngày, thì theo đại diện chính quyền xã Thủy Thanh, thời gian gần đây, việc triển khai các hoạt động văn hóa, dịch vụ vào ban đêm tại điểm du lịch cộng đồng Cầu Ngói nhằm tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn và phù hợp với định hướng của ngành Du lịch tỉnh TT-Huế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách khi đến Huế. Để làm mới và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt dân gian... thu hút du khách đến với di tích kiến trúc Cầu Ngói độc đáo có tuổi đời gần 250 năm và không gian du lịch cộng đồng nơi đây, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng ngành văn hóa, du lịch của thị xã Hương Thủy và tỉnh TT-Huế đã nỗ lực xây dựng thêm phiên chợ đêm đậm chất dân dã hướng tới diễn ra mang tính định kỳ. [caption id="attachment_2718" align="aligncenter" width="2048"] Đến đây, du khách có thể xem trực tiếp người dân làng Thủy Thanh làm nón[/caption] Theo ông Đặng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, phiên chợ đêm tổ chức tại không gian văn hóa di tích Cầu Ngói, khu vực chợ của xã, dọc bờ sông Thanh Thủy đã trở thành nơi trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm đặc thù của địa phương, với các loại nông sản như gạo thơm Thủy Thanh, gà kiến, các loại rau, củ, quả, dưa môn, dưa chuối, cá rô đồng, ếch đồng, lóc đồng, lươn, ốc, trứng lộn; sản phẩm lưu niệm, sản phẩm OCOP Tại phiên chợ còn có những hoạt động trình diễn, trải nghiệm như xay lúa, giã gạo, làm các loại bánh, nấu bánh canh, cất rớ, tát nước, chằm nón… Nhiều trò chơi dân gian vui nhộn cũng được tái hiện tại chợ đêm như bịt mắt đập om, ném vòng vào cổ vịt, nhảy sạp, đi cầu khỉ ném bóng, giành ghế, vật tay… kết hợp với chương trình đinh “Đêm hội quê hương” tổ chức theo phong cách “mở”. “Chương trình chợ đêm đề cao tính kết nối cộng đồng, thời điểm diễn ra phiên chợ, bên cạnh hoạt động mua sắm, trải nghiệm…, người dân, du khách có dịp tham gia vào các trò chơi dân gian, thưởng thức nghệ thuật hô bài chòi, biểu diễn văn nghệ, hát cho nhau nghe, nhảy sạp, đốt lửa trại… Các tiết mục trong “Đêm hội quê hương” diễn ra theo hình thức liên hoan, ai ngang qua cũng có thể tham gia”, ông Hiệp cho hay. Nhằm xây dựng môi trường “sáng - xanh - sạch - không rác thải”, UBND xã Thủy Thanh đã đề nghị các hộ tham gia kinh doanh tại phiên chợ đêm không sử dụng bao bì nilon để gói hàng khi mua bán sản phẩm, phải đăng ký các mặt hàng, niêm yết giá rõ ràng và đặc biệt phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. "Địa phương đang tiến tới tổ chức phiên chợ đêm theo định kỳ hàng tháng, nhằm khai thác thế mạnh về di tích Cầu Ngói, thu hút khách du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Thủy Thanh cũng như thị xã Hương Thủy”, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh Đặng Văn Hiệp thông tin thêm. Được biết, di tích Cầu Ngói Thanh Toàn được xây dựng vào năm 1776, nằm cách TP Huế khoảng 8 km về phía đông. Cầu Ngói do bà Trần Thị Đạo - vợ của một vị quan phát tâm đóng góp tiền của xây dựng, nhằm để tích phước đức và góp phần giúp đỡ nông dân trong vùng qua lại dòng sông Như Ý dễ dàng và an toàn hơn Đây là một trong 3 cây cầu được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” độc đáo hiện còn tồn tại ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 17m - rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian... Năm 1990, cầu ngói Thanh Toàn được công nhận là Di tích cấp quốc gia.