Giờ giải lao, bọn trẻ bày trò chọc thầy, những tiếng cười giòn tan ngập tràn niềm vui...
"Thầy giáo công nhân", "thầy giáo bảo vệ", "thầy giáo tay ngang"... là những tên gọi quen thuộc mà người dân xung quanh phường Long Bình, TP Thủ Đức (TP HCM) đặt cho anh Trần Lâm Thắng.
Lớp học 0 đồng
Anh Thắng có một lớp học rất đặc biệt. Lớp học dạy từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần nhưng không phải đóng học phí, học sinh được phát sách vở và đồng phục miễn phí. Yêu cầu duy nhất để nhận những ưu đãi đặc biệt là học sinh phải siêng năng đến lớp và chăm chỉ học tập.
Đúng 18 giờ, lớp học tình thương Long Bửu của "thầy giáo công nhân" sáng đèn, đó cũng là lúc tiếng đánh vần của bọn trẻ vang lên. Có đứa vừa đọc bài vừa tranh thủ cắn vội miếng bánh mì chống đói. "Học sinh ở đây đều là những em phải "lao" ra đời từ sớm, ban ngày các em phải bươn chải, phụ giúp gia đình mưu sinh. Tối đến, bọn trẻ mới kéo nhau đến lớp. Việc biết được mặt chữ là điều rất xa xỉ với các em nhỏ" - anh Thắng tâm sự.
Viết xong bài tập trên bảng cho học trò, anh Thắng tựa lưng vào cửa lớp, dõi mắt nhìn theo bọn trẻ đang cặm cụi viết bài. Anh kể mình từng có những học trò rất ham học nhưng vì cha mẹ không hòa thuận dẫn đến việc "đường ai nấy đi", con cái cũng bị dang dở việc học.
Đứa trẻ nào cũng mong muốn được cắp sách đến trường nhưng không phải gia đình nào cha mẹ cũng đồng ý cho đi học. Bởi lẽ, khi kinh tế khó khăn thì việc đi học là chuyện rất xa vời. Anh Thắng đã từng nhiều lần "mặt dày" thuyết phục phụ huynh. "Chỉ cần phụ huynh đồng ý thôi, các bé chậm tiếp thu cũng không sao. Quan trọng là giúp các em hiểu được ý nghĩa của việc học" - người thầy của lũ trò nghèo tin tưởng.
Hành trình 13 năm tiếp bước cho trẻ em
Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, dù chỉ dạy tiểu học nhưng anh Thắng cũng gặp nhiều áp lực. "Thầy giáo công nhân" bộc bạch: "Mình không phải là giáo viên nên không có nghiệp vụ sư phạm. Muốn các em dễ hiểu, nhớ bài lâu thì bản thân cũng phải tự trau dồi thêm kỹ năng".
Năm 2010, khi mới bắt đầu dạy học, anh Thắng chỉ có một lớp học nhỏ, tất cả các khối đều học chung, rất khó để giảng bài vì mỗi khối có một giáo trình riêng. Thiếu tập vở, sách giáo khoa, vài ba em tụm lại đọc chung một quyển sách.
Sau này, nhờ chính quyền hỗ trợ, anh có thêm 5 phòng học, nhờ thế mỗi khối có một phòng học riêng. Trang thiết bị và sách vở được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ngoài ra, còn có những bạn tình nguyện viên của Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM đứng lớp cùng anh.
Đến lớp học tình thương hơn 1 năm, hai chị em Trần Thị Bảo Huy (10 tuổi), Trần Thị Bảo Kim (8 tuổi) đã bắt đầu biết đọc, biết làm toán. Bảo Huy cho biết mình trễ học 3 năm so với bạn bè cùng trang lứa, mẹ đã nộp hồ sơ xin nhập học ở nhiều trường nhưng đều không được.
"Lúc mẹ nói con được đi học, con vui lắm nhưng con lại sợ nếu mình đi học thì không ai phụ mẹ bán hàng, mẹ hay đau bệnh mà phải làm việc nặng nhiều. Con ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và nhiều người" - Bảo Huy thủ thỉ.
Giờ giải lao, bọn trẻ kháo nhau bày trò chọc thầy, những tiếng cười giòn tan ngập tràn niềm vui. Đứa nào cũng mến thầy, ở nhà có gì ngon cũng chừa phần mang đến lớp tặng thầy Thắng. "Ngày Nhà giáo Việt Nam, lũ trẻ mua hoa, bánh trái, tôi đều mời phụ huynh cả. Tiền ăn không có mà dám mua… bông hồng tặng thầy mới ghê!" - anh Thắng vui vẻ nhớ lại.
Nhìn lại quá trình dạy học, có những học sinh đã thành tài nhưng cũng có những đứa trẻ còn khó khăn bươn chải với cuộc sống. Mỗi học sinh đều có một câu chuyện riêng, nghị lực của bọn trẻ chính là động lực để anh Thắng gắn bó với lũ trẻ hơn...
Theo Người lao động