39 năm vá áo mưa trên đường Hùng Vương, bà Lê Thị Xuân Lành nói nghề này từng giúp gia đình sống ổn trong thời bao cấp, nhưng nay chỉ cầm chừng.
Ngày cuối tháng 11, bà Lê Thị Xuân Lành (53 tuổi), ngồi ở góc ngã tư Ngô Gia Tự - Hùng Vương, quận Hải Châu, tỉ mỉ dán những chiếc áo mưa khách qua đường gửi lại. Dụng cụ chỉ gồm hai que sắt to chừng ngón tay út, phía trên là cán gỗ, phía dưới được bẻ một góc khoảng 80 độ, đập dẹp; một xô gò bằng tôn dùng đốt than hoa; dao, kéo và những miếng nylon, áo mưa cũ.
Bà Lành mở chiếc áo mưa đưa lên ngang tầm mắt tìm vết rách, sau đó đặt điểm cần vá lên chiếc ghế nhựa có kê mảnh gỗ cho bằng phẳng, phía trên đặt miếng nylon chuẩn bị vá và một miếng nylon khác (loại trong suốt không dính) rồi đốt than nhúng hai que sắt vào chừng 30 giây. Khi que sắt nóng, bà nhấc lên chà qua sáp nến để giảm nhiệt rồi đặt lên chỗ cần vá, chà xát nhiều lần.
Quan sát miếng nylon ở giữa đã chảy nhựa và dính chặt vào chỗ áo mưa rách, bà Lành mới dừng lại, lột miếng nylon không dính ra, kiểm tra vết vá đã chắc chắn hay chưa. Chờ cho áo mưa nguội, bà gấp lại cẩn thận cho khách. Công việc diễn ra khoảng 2 phút. "Nhìn thì vá áo mưa rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được", bà Lành nói, cho biết nếu không cảm nhận được nhiệt độ của que hàn thì có thể làm chảy cả lớp áo mưa, phải đền cho khách.
Bà Lành kể, cha là cụ Lê Ngãi, người đầu tiên vá áo mưa ở Đà Nẵng từ năm 1969. Nhờ nghề này và nghề bọc, ép dẻo giấy tờ, ông Ngãi đủ trang trải cuộc sống cho gia đình 9 người thời tem phiếu. Năm 1981, khi 12 tuổi, bà Lành đã theo cha ra đường Hùng Vương học nghề vá áo mưa, bọc giấy tờ. Những thanh sắt nóng và nhựa từ áo mưa chảy ra nhiều lần làm bà bỏng tay. Nhưng thấy nghề kiếm ra tiền, khách khen cha vá áo mưa giỏi, bà quyết học làm cho bằng được.
Hùng Vương là trục phố chính của Đà Nẵng, nối từ bến xe ngã ba Cai Lang xuống chợ Cồn và chợ Hàn, lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Khách đến thấy áo mưa được vá đảm bảo nên giới thiệu cho người khác, hai cha con bà Lành vì thế làm việc luôn tay. Ông Ngãi còn mua những mảnh nylon cỡ lớn về cắt rồi ráp dán thành chiếc áo mưa hoàn chỉnh để bán được giá cao.
Nhiều người trong vùng đến xem ông Ngãi vá áo mưa rồi học nghề, về mua dụng cụ ra vỉa hè Hùng Vương mưu sinh từ khi con đường nay còn thưa thớt nhà cửa. Họ dán từ áo mưa đến dép nhựa, xô nhựa... Dọc đoạn đường chừng 2 km có hơn chục người cùng làm nghề, nhưng vẫn làm không xuể. "Ai đến hỏi cha tôi cũng bày cho làm, chứ không giấu nghề", bà Lành nói.
[caption id="attachment_2417" align="aligncenter" width="975"] Công đoạn quan trọng nhất của nghề vá áo mưa là dùng thanh sắt có nhiệt độ vừa phải, đè lên trên chỗ áo mưa rách để làm nóng và dính nhựa miếng vá mới[/caption]Dần dần nhiều nơi khác, đặc biệt là quanh sân vận động Chi Lăng với các trục đường Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn... có đông người vá áo mưa. Mỗi dịp cuối tuần, nhiều người ở các vùng khác đến xem bóng đá thường mang theo áo mưa rách đến thuê các tiệm có đặt bảng "vá áo tàu ngầm" ở ven đường, xong trận bóng ra nhận lại rồi trả tiền công. Mỗi vết áo mưa rách, tùy theo kích cỡ lớn nhỏ, ở tà hay ở nách, sẽ được thợ tính công từ 10.000 đến 20.000 đồng. Nếu vá chằng cả chiếc áo mưa thì mới lấy tiền công 30.000 đồng.
"Những chiếc áo mưa sau khi được vá sẽ chắc chắn như tàu ngầm, đảm bảo không bị thấm nước nên người ta đặt bảng như thế để khẳng định chất lượng với khách hàng. Nếu áo mưa đã vá mà vẫn bị thấm thì khi khách quay lại chúng tôi sẽ trả lại tiền", bà Lành giải thích.
Bà Lành lập gia đình, sống trên đường Hoàng Diệu. Chồng làm nghề mộc nên cũng có đồng ra đồng vào. Tiệm vá áo mưa của bà cũng giúp nuôi dạy hai con, một trai, một gái ăn học. 14 năm qua, chồng bà bị thoái hóa cột sống, mất sức lao động phải nghỉ việc ở nhà. Cơm nước trong nhà phụ thuộc vào những khách vá áo mưa của bà Lành và hai đứa con đi làm phụ thêm.
Nhưng gần chục năm trở lại đây, con đường Hùng Vương không còn nhiều người đem áo mưa đi vá nữa. Nhiều người bỏ những chiếc áo mưa rách để mua áo mới với giá chỉ vài nghìn đồng, rẻ hơn cả tiền công một lần vá. Nhiều thợ vá áo mưa không chấp nhận mức thu nhập vài chục nghìn đồng mỗi ngày, mùa nắng chờ cả tháng không có người mang áo mưa rách đến nên cất đồ nghề.
[caption id="attachment_2419" align="aligncenter" width="674"] Bà Lành là người cuối cùng làm nghề "vá áo tàu ngầm" ở Đà Nẵng.[/caption]Không riêng Đà Nẵng, nhiều thợ vá áo mưa ở phố cổ Hội An và cố đô Huế dần chuyển sang nghề khác. Riêng bà Lành giữ nghề cha truyền, dù mỗi ngày chỉ vài ba người đến thuê làm, tiền công đôi khi không đủ 50.000 đồng. Khách hàng chủ yếu là sinh viên, người nghèo và những người mua áo mưa đắt tiền. "Tôi và em gái có lẽ là người cuối cùng làm nghề này", bà nói.
Em gái bà Lành là Lê Thị Thanh (49 tuổi), cùng ngồi ở ngã tư Ngô Gia Tự, vá áo mưa cũng cầm chừng. Khi có khách quen thuê thì bà mới nhóm lửa. Những lúc vắng khách, bà chạy ngang chạy dọc quanh ngã tư để bán thêm xăng lẻ. Hai chị em bám vỉa hè mưu sinh, những lúc có thu nhập thường chia nhau.
Anh Nguyễn Hoài, 25 tuổi, là khách thường ghé tiệm của bà Lành mỗi khi áo mưa bị rách tà hoặc cổ. "Cô Lành vá áo mưa cẩn thận. Lần đầu đến vá, thấy áo về dùng dù cũ vẫn không bị thấm nước nên những lần sau áo có rách tôi lại đưa đến đây", anh Hoài nói, cho biết áo mưa bị rách đem đi vá giúp tiết kiệm chi tiêu, ngoài ra còn đỡ vứt bỏ rác thải nhựa ra môi trường.
39 năm theo nghề, bà Lành giữ cho mình nguyên tắc "chỉ vá những chiếc áo mưa khô ráo". Nhiều người đi trời mưa mới phát hiện áo bị rách, ghé tiệm thuê vá nhưng bà lắc đầu. "Áo mưa chỉ có thể vá chắc chắn khi khô ráo. Những chiếc đã ướt thì dù có cố vá cả mặt trong mặt ngoài để lấy tiền công thì dùng vài bữa sẽ bong nhựa và thấm ngược vào trong nên tôi không vá", bà giải thích.
Mỗi ngày bất kể nắng mưa, bà Lành vẫn ngồi ở ngã tư đường, đối diện là những căn nhà xây quanh sân vận động Chi Lăng đang bị đập bỏ, chờ người đến gọi "Cô Lành ơi, vá áo mưa".