Những ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận liên tục nhiều trường hợp nhập viện vì ngộ độc Botulinum được xác định bắt nguồn từ trong thức ăn.

Vào ngày 20/5, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bác sĩ ba Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh Nhiệt đới hội chẩn, điều trị ba bệnh nhân ngộ độc botulinum.

Ba người nhập viện đều trú tại TP. Thủ Đức (TPHCM), trong đó 2 người là anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) và 1 người khác (45 tuổi) đều xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy. Sau đó nặng hơn, yếu cơ, nhìn đôi, khó nuốt.

Theo thông tin hai anh em ruột ăn bánh mì kẹp chả lụa mua từ người bán dạo vào ngày 13/5, người còn lại thì ăn một loại mắm để lâu ngày nên dẫn đến tình trạng ngộ độc. Hiện nay, bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi phải thở máy, liệt cơ, sức cơ 1/5. Bệnh nhân 26 tuổi vẫn tự thở được, sức có 3/5-4/5. Tuy nhiên, có khả năng những ngày tới bệnh nhân 26 tuổi sẽ diễn tiến đến nguy cơ phải thở máy.

Trước đó ngày 14/5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận 3 anh em ruột (10 tuổi, 13 tuổi, 14 tuổi) trú tại TP Thủ Đức (TPHCM) vào viện vì ngộ độc botulinum sau khi các em ăn phải chả lụa không rõ nguồn gốc do người dì mua về. Đến chiều các em bắt đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng nên nhập viện. Hiện tại hai em vẫn thở máy, em còn lại cải thiện tốt. Người dì bị nhẹ hơn, điều trị tại nhà.

Tuy nhiên TP.HCM và cả nước đã hết thuốc giải độc tố botulinum. Hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã dùng cho 3 anh em ruột tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào ngày 16/5.

Còn trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy điều chuyển thuốc giải có giá 8.000 USD/lọ này ra Quảng Nam để cứu bệnh nhân ngộ độc sau ăn món cá chép muối ủ chua vào tháng 3. 

Độc tố botulinum là gì?

Chất độc botulinum toxin do vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum) sinh ra. Đây là một vi khuẩn gram dương kỵ khí, trong điều kiện khắc nghiệt virus này sẽ có khả năng tồn tại cao.

Đặc trưng của vi khuẩn C.botulinum là phát triển trong môi trường kín, thiếu không khí, ở nhiệt độ từ 15-55 độ C, nồng độ pH >4,5. Trong khi đó, C.botulinum có thể tồn tại ở tất cả các loại thực phẩm, từ thịt cá đến rau, củ, quả, đậu, thịt hộp...  

Nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua hoặc bảo quản không đúng cách thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum.

Triệu chứng

Triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn tầm 12-36 giờ (đôi khi có thể 1 tuần)

Người bệnh thường đau bụng, buồn nôn, táo bón, đau đầu, liệt cơ, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng, rối loạn cảm giác, mệt mỏi, suy nhược cơ thể nếu mức độ nặng sẽ không thở được và tử vong.

Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm

Khi bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy gây mất nước, điện giải, vì vậy chúng ta cần phải chú ý bù nước và điện giải (oresol pha với nước và uống thay nước) và ăn uống đủ chất dinh dưỡng (nên ăn các chất dễ tiêu, tránh các thực phẩm tanh, dầu mỡ). Sau đó đến ngay bệnh viện để thăm khám.

Cách phòng tránh

Chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng, an toàn

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 10 độ C, không bảo quản ở môi trường yếm khí và bảo quản bằng việc ướp muối hoặc đường ở nồng độ cao.

Nên ăn chín, uống sôi, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Thận trọng thực phẩm đóng kín, nếu có mùi hoặc màu sắc thay đổi, có vị khác thường không nên ăn

Không nên sử dụng thực phẩm đã đóng kín lâu ngày trong điều kiện không phù hợp

Với thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống như dưa muối, măng chua, cá muối,…cần đảm bảo phải chua mặn. Khi thực phẩm hết chua, không nên ăn.