Trong vòng 50 năm, 500 lít nước và 1 mét khối đất sẽ bị ô nhiễm, nếu bạn vô tình vứt lên đó một viên pin chưa được xử lý đúng cách. Với dân số khoảng hơn 8 tỉ người hiện nay trên hành tinh, mỗi người chỉ cần vứt 1 cục pin vào mỗi tháng, tương đương 96 tỉ cục pin mỗi năm. Thử hỏi hậu quả mà nó để lại ai có thể đong đếm được? Pin thực sự là kẻ huỷ diệt môi trường và sức khoẻ con người một cách thầm lặng.
Vì sao pin lại gây hại đến môi trường?
Hầu hết mọi người đều cho rằng những cục pin sử dụng trong các thiết bị điện tử đều thật nhỏ bé và vô hại. Tuy nhiên, nếu bạn biết được có bao nhiêu pin được sản xuất ra và sử dụng mỗi năm, rồi cuối cùng được xử lý một cách thô sơ bằng việc chôn lấp cùng với những loại rác thải sinh hoạt khác, chắc hẳn bạn sẽ phải rùng mình thay đổi suy nghĩ.
Mỗi cục pin sau khi sử dụng đều được liệt kê vào danh mục chất thải độc hại, cần được sử lý đặc biệt. Theo thống kê của Chi cục Môi trường Hà Nội, hiện nay mỗi gia đình đều có khoảng 10-15 thiết bị điện tử sử dụng bằng pin. Do vậy, số lượng pin đã qua sử dụng thải ra môi trường mỗi ngày là rất lớn. Thông thường do thiếu sự hiểu biết, cũng như theo thói quen thì nhiều người sẽ chọn cách vứt pin vào chung chổ với những rác thái sinh hoạt khác trong gia đình. Do vậy, pin sẽ không được xử lý một cách riêng biệt, mà cũng bị chôn lấp hoặc đốt trong bãi rác.
Điều đó gây gây tác động, và hậu quả rất nghiêm trọng đối với môi trường. Có nhiều loại pin khác nhau, và cấu tạo của nó cũng khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung là gây tác động xấu đến môi trường, do những hoá chất có bên trong pin, như: cadmium, chì, kẽm, mangan, niken, bạc, thủy ngân và liti, cũng như axit.
Cụ thể tác hại của những chất này là gì?
1/ Chì
Là một trong những thành phần chính để tạo thành pin, bụi chì vô cơ là mối nguy hại đến sức khoẻ nhiều nhất khi nhắc đến những tác hại của pin. Chì có thể hấp thụ vào cơ thể qua cả đường ăn uống, và hô hấp. Mọi người đều có nguy cơ nhiễm, và dễ dàng tiếp xúc với chúng. Nhất là những người làm việc trong nhà máy sản xuất pin, hoặc những người sống gần khu vực rác thải.
Người lớn khi tiếp xúc nhiều với chì sẽ gây nên tình trạng mất trí nhớ, giảm khả năng tập trung, hoặc thậm chí ảnh hưởng đến việc sinh sản. Và hơn hết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì cơ thể đang trong giai đoạn phát triển. Nếu thường xuyên phơi nhiễm chì, sẽ có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, như: suy giảm thính lực, tổn thương chức năng não, gây rối loạn hành, và các vấn đề về thận.
TS BS Đặng Thị Xuân chia sẻ: "Kim loại nặng nói chung kể cả những cái như chì hoặc thủy ngân thì tùy theo lượng mình dùng và thời gian mình dùng nhưng mà một trong những cái người ta hay nói là ảnh hưởng đến thần kinh. Trẻ thì sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ; người lớn thì có thể ảnh hưởng đến bệnh mãn tính như Parkinson hoặc thoái hóa về não. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng cả đến tim phổi hoặc thận, hay là hệ thống chuyển hóa của toàn cơ thể chứ không riêng một cơ thể nào".
2/ Cadmium
Là chất được sử dụng trong pin niken-cadmium, nó được xem là chất độc có hại hơn chì nếu không may đi vào cơ thể người. Theo cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC, thì cadmium được xem là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư ở người.
Chất này có thể dễ dàng được hấp thụ qua da, nếu vô tình chạm phải pin đã bị rò rỉ, tách mở. Khi pin được xử lý một cách sơ xài trong những bãi chôn lấp, thì cadmium cũng sẽ bị theo đó ngấm vào môi trường và gây ô nhiễm cho đất. Khi cây trồng hấp thụ, con người cũng sẽ bị nhiễm độc nếu không may ăn phải chúng, hậu quả cho việc này là sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận.
3/ Axit sunfuric
Là chất có tính ăn mòn cao, thường đươc dùng trong sản xuất pin và bình ắc quy. Loại axit này có thể gây mù mắt, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng của con người. Do đó, cần tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với loại chất này, cũng như xử lý đúng cách với nguồn pin đã sử dụng để tránh gây hại cho môi trường.
Tác động xấu của pin đối với môi trường
Gây ô nhiễm nguồn nước: những hoá chất độc hại có trong pin sẽ dễ dàng thấm qua đất và gây nhiễm độc nguồn nước. Hoá chất độc hại, ngoài việc gây nhiễm độc trực tiếp đối với con người và động vật thông qua nguồn nước, thì nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thai của sông, hồ, suối.
Ô nhiễm đất: thay vì được xử lý và tiêu huỷ đúng cách, thì hầu hết số pin đã qua sử dụng đều được chôn lấp tại bãi rác. Đồng nghĩa với việc những chất độc hại có trong pin sẽ thấm dần vào đất, một khi chúng bị rò rỉ ra. Điều này sẽ khiến cho môi trường đất trở nên độc hại, bạc màu… không còn thích hợp để ở hoặc canh tác.
Ô nhiễm không khí: trong quá trình phân huỷ ở những bãi rác, pin sẽ trải qua phản ứng quang hoá, gây ra việc phát thải khí nhà kính. Góp phần vào việc làm biến đổi khí hậu, và tình trạng nóng lên ở toàn cầu.
Tác hại của rác thải từ pin đối với môi trường và sức khoẻ là điều rất rõ, song yếu tố quan trọng nhất để cải thiện tình trạng này đó là phân loại rác đúng cách lại chưa thật sự được coi trọng, từ cá nhân cho đến các cấp ban ngành có liên quan. Hầu hết người dân không có thói quen đó, hoặc nếu có cũng chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể tiếp theo, để có thể đưa loại rác thải này về đúng nơi, đúng chổ chờ xử lý. Thiết nghĩ, ngoài việc hướng dẫn người dân phân loại rác thải ngay từ nguồn, thì cũng cần có những biện pháp nhắc nhở răn đe phù hợp đối với những hành vi xả rác không đúng nơi quy định.
Tham khảo một số địa điểm thu gom pin:
Tại Hà Nội:
- Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, đối diện số 45 phố Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy.
- Nhà văn hóa phường Yên Hòa, số 288, đường Trung Kính, phường Yên Hòa, Cầu Giấy.
- UBND phường Quán Thánh, số 12 - 14 đường Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Ba Đình.
- Bảo tàng Chiến thắng B.52, số 157 Đội Cấn, Đội Cấn, Ba Đình.
- UBND phường Thành Công, số 9 đường Thành Công, Thành Công, Ba Đình.
Tại TP Hồ Chí Minh:
- Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1).
- UBND Phường 15, quận 4 (132 Tôn Thất Thuyết, phường 15, quận 4).
- UBND Phường 17, quận Phú Nhuận (22 Nguyễn Văn Trỗi, phường 17, quận Phú Nhuận).
- UBND Phường 2, quận Bình Thạnh (14 Phan Bội Châu, phường 2, quận Bình Thạnh).
- UBND Phường 9, quận 3 (82 Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3).