Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023 nhu cầu mặt bằng cho thuê sẽ rơi vào tình trạng trầm lắng, do doanh thu của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Người kinh doanh sẽ có xu hướng tạm hoãn quyết định thuê mặt bằng hoặc mở rộng hệ thống.
Những con đường sầm uất, tấp nập người kẻ bán người mua, như: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng… hiện nay đã ngập tràn thứ gọi là “rác thuê nhà chính chủ”. Rất nhiều những mặt bằng ngừng kinh doanh, bị dán chồng chéo lên nhau những tờ quảng cáo số điện thoại cùng dòng chữ “bán hoặc cho thuê/ chính chủ/ liên hệ”. Tình trạng "xưa nay hiếm" này vừa gây mất mỹ quan, vừa phản ánh rõ thực trạng ế ẩm của mặt bằng kinh doanh, cũng như sự khó khăn người kinh doanh trong thời gian gần đây.
Tình trạng này đã bắt đầu từ khoảng giữa năm 2022, nhưng cho đến thời gian gần đây sự ế ẩm mới thật sự “rõ nét”, khi nhiều doanh nghiệp và cửa hàng phải đóng cửa hoặc sang nhượng mặt bằng kinh doanh. Những khu đất vàng tại vùng trung tâm quận 1, hay các quận lân cận đều chịu chung thực trạng có nhiều mặt bằng bỏ trống, không tìm được người thuê trong thời gian dài.
Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Nhà toàn cầu cho biết, tình trạng ế ẩm của mặt bằng kinh doanh, nhà phố tại khu vực trung tâm và những vùng lận cận hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là dịch bệnh covid19 trong hơn 2 năm, ngoài việc khiến nền kinh tế gần như bị tê liệt, thị trường trầm lắng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thì trong khoảng thời gian ấy, hành vi của người sử dụng dịch vụ của người mua sắm cũng đã có nhiều thay đổi. Khách hàng đã quen dần với việc mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ bắt đầu ngần ngại trong việc đầu tư, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh trong thời điểm này. Dù hiện nay, Việt Nam đã trong tình trạng ổn định trước covid19, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, thậm chí xu hướng ngày càng gia tăng.
Thứ 2, liên quan đến việc quản lý trật tự đô thị. Các sở ban ngành đang triển khai tích cực việc thanh tra trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Vì vậy, nhiều chủ kinh doanh cần diện tích không gian cho khách để xe, nhất là lĩnh vực ăn uống, vướng phải trở ngại lớn về vấn đề này khi thuê mặt bằng kinh doanh tại các khu phố thuộc trung tâm.
Một số đơn vị cho thuê cho biết, dù sức mua giảm nhưng giá thuê tại hầu hết các mặt bằng kinh doanh đều không có dấu hiệu giảm, mà vẫn giữ ổn định ở mức cao. Nhiều ý kiến chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm ế ẩm, phần lớn là do giá thuê tương đối cao, vị trí cũng không còn thuận lợi như trước.
Cùng với đó, các nhà kinh doanh cũng đang tiến hành thắt chặt chi tiêu, trước tình trạng lạm phát trong nước đang dần tăng và nguồn thu từ khách quốc tế cũng giảm nhiều so với trước đại dịch. Và sau thời gian thua lỗ, nhiều chủ cửa hàng đã không còn “mặn mà” với mặt bằng “đẹp” nhưng tốn kém, họ bắt đầu trú trọng vào việc kinh doanh online. Chính vì vậy, dù mặt bằng đẹp thì vẫn “ế” khách thuê.
Nếu thực trạng này kéo dài, chủ đầu tư sẽ chịu thiệt hại lớn. Nhiều điểm kinh doanh sẽ không có khả năng hoà vốn doanh thu, thậm chí chịu lỗ. “Đứng trước tình trạng khủng hoảng tài chính lan rộng không chỉ ở Việt Nam, mà còn nhiều nước trên thế giới, thì tình trạng đóng băng bất động sản sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023”, theo chuyên gia dự báo.