Ông Nguyễn Khoa (71 tuổi) chọn cuộc sống đơn độc giữa khu rừng vắng để chăm sóc một sào nấm linh chi trồng thử nghiệm trong rừng phòng hộ.
Vùng trồng nấm linh chi thử nghiệm dưới tán rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (H.Xuân Lộc, Đồng Nai) nằm cách vườn của người dân thuộc xã Xuân Hòa khoảng 10km. Để di chuyển tới khu trồng nấm phải mất hàng giờ đồng hồ và chỉ có thể di chuyển được bằng xe gắn máy, vì đây là lối mòn đi xuyên rừng.
Căn nhà đơn độc nằm giữa khu rừng hoang vắng
LA GIANG
Vượt qua quãng đường ngoằn ngoèo, dốc đá, đi thêm hơn 20 phút nữa chúng tôi mới đến được căn nhà duy nhất nằm giữa rừng sâu.
Vườn nấm linh chi giữa bạt ngàn rừng phòng hộ
"Có ai không? Chú Khoa ơi", cùng đi với vài nhân viên bảo vệ rừng, chúng tôi gọi lớn, khiến tiếng gọi vang giữa rừng nhưng không có tiếng đáp lại, chỉ nghe tiếng chó sủa từ căn nhà đơn độc. Một lúc sau thì có tiếng người gọi vọng ra từ phía sau, thì ra ông Khoa đang bận tưới cho khu vườn nấm linh chi chuẩn bị ươm mầm, nằm cách căn nhà khoảng 50m.
Ông Nguyễn Khoa gần 1 năm nay ở một mình trong cánh rừng sâu này. Khu vườn trồng thử nghiệm nấm linh chi hơn một sào cũng lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng phòng hộ vào mùa khô đang trút lá. Đất rừng thì bạc màu khô khốc, có những nơi tung bụi trắng xóa thốc lên theo từng cơn gió. Chỗ mát nhất ở đây có lẽ chính là mảnh vườn nhỏ xíu trồng nấm linh chi, vì được đầu tư hệ thống tưới, tại đây những phôi mầm nấm đang nhô lên đều đặn, hứa hẹn một mùa thu hoạch dồi dào vào khoảng 3 tháng tới.
Ông Nguyễn Khoa đang tưới nước cho nấm linh chi
LA GIANG
Vừa vặn vòi hệ thống tưới thêm đợt mới, ông Nguyễn Khoa cho biết mình là người của công ty, đơn vị liên kết với Ban quản lý rừng phòng hộ nhận khoán trồng và chăm sóc kỹ thuật cho vườn nấm linh chi thử nghiệm. Ông Khoa dù đã hơn bảy mươi tuổi nhưng do có kinh nghiệm, thâm niên hơn 20 năm trong ngành kỹ thuật nông nghiệp nên vẫn nhận hợp đồng làm việc với công ty bởi "yêu ngành, yêu rừng, yêu cây nấm".
Ông chấp nhận xa gia đình, vợ con ở TP.HCM để về đây, sống trong căn nhà gần như bỏ hoang từ trước đó, bạn đồng hành là chú chó nhỏ. Căn nhà vốn là một cơ sở của lực lượng bảo vệ rừng nhưng sau đó bỏ không, khi ông Khoa về đây thì dọn sơ qua cho đỡ hoang phế để lấy chỗ ăn, ngủ. "Sống như ở ẩn vậy, một mình với rừng, nhưng ở trong ngành nông lâm nghiệp lâu nên cũng quen, có chim có cây lá và không khí trong lành và lòng thanh thản. Yên tĩnh lắm...", ông Khoa chia sẻ.
Trải lòng về cuộc sống một mình trong rừng, ông Khoa cho biết dù nhiều người nhìn vào thấy sống như vậy quá buồn, tuy nhiên ông thì chẳng nghĩ ngợi gì cả. Theo nghề, ông cũng được công ty trả thu nhập xứng đáng, để phụ giúp gia đình. Con cái thì đã trưởng thành, ông cũng chẳng có gì vướng bận. Chả thế mà khi nhóm bạn trẻ nhìn căn nhà như bỏ hoang, bên trong nồi niêu xoong chảo và ít dụng cụ lặt vặt, tượng tượng cảnh người đàn ông lớn tuổi ngày đêm chỉ có con chó làm bạn thì hơi ái ngại, nhưng ông Khoa thì vẫn cười vang.
"Điện thì được gắn pin năng lượng mặt trời. Nước thì có hệ thống giếng khoan. Cơm thì nấu một bữa rồi ăn cả ngày. Thức ăn thì vài ba tuần chạy xe máy ra ngoài mua về ăn hoặc nhờ anh em ở phân trường nằm cách khoảng 5km đường rừng mua giùm rồi chạy ra lấy...", người đàn ông dáng vẻ phong trần nói.
Mô hình mới, đang thử nghiệm
Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng phòng hộ ở H.Xuân Lộc thực hiện theo nghiên cứu đã thành công theo điều kiện vùng miền trước đó của ngành nông lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai. Theo đó, năm 2018, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) Đồng Nai đã tiến hành trồng thử nghiệm 300 phôi nấm linh chi tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán, cho kết quả nấm linh chi đỏ sinh trưởng và thu hoạch sản phẩm đạt chất lượng cao. Tháng 11.2020, Chi cục Kiểm lâm đã ký hợp đồng với Sở Khoa học - Công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu, kết quả đã xác định được nguyên liệu tạo phôi giống nấm linh chi; xây dựng kỹ thuật sản xuất phôi giống nấm linh chi bằng khúc gỗ keo lai; xây dựng kỹ thuật trồng nấm linh chi trên rừng keo lai; xây dựng kỹ thuật sơ chế bảo quản nấm linh chi sau thu hoạch. Từ kết quả nghiên cứu khẳng định, quy trình sản xuất giống nấm linh chi đỏ phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại Đồng Nai.
Những mầm nấm linh chi đang phát triển
LÊ BÌNH
Tại Xuân Lộc, đầu tháng 2.2022, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc phối hợp với một doanh nghiệp ở miền Tây, ký kết hợp đồng hợp tác trồng nấm theo mô hình đã nghiên cứu. Bước sang giai đoạn thử nghiệm, mô hình trên cho thấy việc trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai bước đầu đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương. Đồng thời mô hình này còn tận dụng nguồn đất rừng trồng vốn có, cung cấp sản phẩm có giá trị cao cho thị trường, tăng thêm nguồn thu cho người trồng rừng, tạo việc làm cho lao động tại chỗ… Mục tiêu là các bên sẽ hợp tác đầu tư với quy mô ban đầu khoảng 230ha trên diện tích đất rừng trồng keo lai, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ra các hộ dân nhận khoán trồng rừng trên địa bàn huyện. Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm…
Căn nhà - nơi ông Nguyễn Khoa hiện đang ở để chăm sóc nấm linh chi
LA GIANG
Tại Xuân Lộc hiện có hơn 10.000ha đất rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là rừng trồng với hơn 4.700ha trồng cây keo lai giao khoán cho hơn 2.000 hộ dân. Tuy nhiên, giá trị kinh tế thu trên diện tích đất rừng hiện rất thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm. Việc nghiên cứu thành công mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng được kỳ vọng sẽ tăng thêm thu nhập cho người dân tham gia.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, theo đề án, cứ khoảng 8 tháng, dự kiến doanh thu từ nấm linh chi sẽ đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha. Theo đó, với kỹ thuật này các bào tử nấm được cấy vào gỗ cây keo lai tạo thành meo nấm. Mỗi meo nấm linh chi có giá chỉ 40.000 đồng, nhưng cho thu khoảng 0.5kg nấm, lợi nhuận hàng triệu đồng. Hiện nay, vườn nấm linh chi hơn 1 sào tại nơi chúng tôi tiếp cận đang là khu vườn duy nhất.
"Hiện đây mới là điểm thử nghiệm đầu tiên trong dự án. Đơn vị liên kết họ chủ động làm từng bước để đảm bảo thành công theo kết quả đã nghiên cứu, nên không thể một lúc làm đại trà. Về nhân công trông coi, chăm sóc thì cũng vất vả đấy, dù họ là người của doanh nghiệp nhưng ban quản lý rừng cũng có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ, bảo vệ. Trồng nấm thì phải triển khai trong rừng sâu để đảm bảo độ ẩm chứ không thể trồng ở bìa rừng. Những người chấp nhận trông coi vườn nấm trong rừng như ông Khoa là những người nhiệt huyết, đam mê chứ nếu không thì không trụ lại được...", ông Long chia sẻ.
Ý nghĩa lớn nhất của mô hình trồng linh chi dưới tán rừng giúp người trồng rừng có thêm thu nhập, đồng thời rừng cây được giữ lâu năm hơn. Với mô hình trồng nấm dưới tán rừng phòng hộ, nấm linh chi được cấy trên cây keo lai cho năng suất hơn hẳn so với cách trồng truyền thống. Nấm linh chi trồng dưới tán rừng được các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu đi Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.
Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc