Theo Sở Du lịch TPHCM, trong thời gian tới các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn sẽ phát triển các tàu có phòng nghỉ trên sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng có kế hoạch xây dựng chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận để thu hút du khách vào các dịp cuối tuần.
Theo đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp lữ hành sẽ đầu tư xây dựng các con tàu có phòng nghỉ, quy mô từ 100 tới 200 phòng. Bên cạnh đó, qua các tuyến kênh rạch, các con tàu sẽ đưa khách đi tham quan các điểm du lịch ven sông như di tích lịch sử, các đình, chùa, làng nghề… Đặc biệt, Sở Du lịch có kế hoạch xây dựng chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận để thu hút du khách vào các dịp cuối tuần.   [caption id="attachment_2502" align="aligncenter" width="1080"] Ảnh minh họa: Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa với đặc điểm trên bến dưới thuyền.[/caption]   Dự kiến, khu chợ nổi sẽ có các tàu thuyền mua bán hàng hoá. Các doanh nghiệp du lịch đầu tư đa dạng hoá các dịch vụ giải trí trên phương tiện thuỷ, hỗ trợ nhà điều hành tour du lịch sông nước để xây dựng các tour du lịch sông nước đa dạng. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TPHCM sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch sông nước sẵn có như tour du lịch quận 1 đi quận 7 (xuất phát từ Bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đĩa), Tour chèo thuyền kayak, cano kéo trên sông Sài Gòn, tour du lịch Bạch Đằng – Cần Giờ – Vũng Tàu… Tour du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cũng sẽ được đầu tư nâng cấp để có thêm các điểm lưu trú nhằm giúp cho du khách có những trải nghiệm mới phong phú hơn. Cũng theo kế hoạch của Sở Du lịch TPHCM, sau khi hình thành các tour du lịch và hoạt động ổn định, các doanh nghiệp lữ hành sẽ đi sâu vào khai thác, mở rộng thêm các tour du lịch chuyên đề như chuyên đề về lịch sử, văn hoá hay phát triển đô thị tại TPHCM. Phạm Trăm