Theo thống kê trẻ thừa cân, béo phì chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các bệnh học đường, làm gia tăng nguy cơ thoái hoá khớp từ nhỏ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết theo báo cáo công tác khám sức khỏe học sinh năm học 2021-2022, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì tại TP chiếm 28,96% trong số các bệnh tật học đường. Đáng chú ý, tỉ lệ này tập trung ở khối tiểu học và giảm dần từ khối trung học cơ sở đến trung học phổ thông.
Theo HCDC, có nhiều nguyên nhân gây thừa cân, béo phì ở trẻ như: Chế độ ăn giàu chất béo, năng lượng cao vượt quá nhu cầu của cơ thể dẫn đến năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức mô cơ thể; thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ, hay ăn vặt, sử dụng thức ăn nhanh (fast food), thích ăn ngọt, không ăn sáng, hay ăn nhiều vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ; ít tập luyện thể dục thể thao, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử; bệnh lý bẩm sinh, di truyền bất thường gen…
Đáng lưu ý, trẻ béo phì có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây. Bên cạnh đó, việc này còn ảnh hưởng tâm lý khi trẻ đi học, do bạn bè trêu ghẹo dẫn đến tự ti. Dần dần các em thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn, lâu dài sẽ dẫn đến trầm cảm.