Thông tin trên được công bố tại lễ kỷ niệm 30 năm đào tạo ngành báo chí và 15 năm thành lập khoa báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) diễn ra chiều 17-12. Trên 90% sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp Kể từ ngày bắt đầu đào tạo chuyên ngành báo chí bậc đại học từ năm 1992 cho đến nay, bộ môn báo chí và bây giờ là khoa báo chí và truyền thông, đã đào tạo được hơn 4.000 cử nhân chuyên ngành báo chí. Từ những khóa tuyển sinh đầu tiên cho đến nay, ngành báo chí luôn là một trong những ngành có điểm trúng tuyển cao. Sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí tìm được việc làm nhanh chóng sau khi ra trường, được các cơ quan tuyển dụng đánh giá tốt về năng lực làm việc. Lý giải về việc này, lãnh đạo khoa báo chí - truyền thông cho rằng có được nhờ nhiều yếu tố: nhu cầu xã hội đối với nghề báo, nghề truyền thông luôn cao; tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng là trên 90%. Vì vậy, số lượng hồ sơ nộp xét tuyển vào ngành báo chí rất nhiều, thường cao gấp 10 lần so với khả năng tiếp nhận, thậm chí có năm cao gấp 20 lần. Nhu cầu theo học ngành cũng như nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động khiến cho ngành báo chí luôn có nguồn tuyển sinh tốt. Nghề báo luôn hấp dẫn giới trẻ TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm trong suốt 30 năm qua, số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí của trường và điểm trúng tuyển luôn nằm trong tốp đầu so với các chương trình đào tạo khoa học xã hội và nhân văn khác. Theo ông Hạ, điều đó cho thấy nghề báo là nghề có thiên chức, đặc thù công việc có ý nghĩa đến đông đảo công chúng, luôn có sức hút đặc biệt với xã hội, nhất là giới trẻ - vốn dĩ là những người bản chất có nhiệt huyết dấn thân, khát khao cống hiến và thích phiêu lưu. Đặc thù công việc của nghề báo luôn đề cao cái mới và sự sáng tạo. Môi trường làm việc luôn là một trải nghiệm mới mẻ bởi không đóng khung cố định trong không gian, thời gian và nhờ vậy luôn hấp dẫn giới trẻ. "Báo chí và truyền thông đại chúng là một định chế phổ biến và là một ngành công nghiệp quan trọng của xã hội hiện đại, với phố nghề nghiệp rộng và vị trí công việc hết sức đa dạng. Trong đó, những hiểu biết và năng lực thực hành có được từ chương trình đào tạo ngành báo chí có thể giúp người học dễ dàng tìm thấy cơ hội và thích ứng nhanh chóng trong thị trường lao động vốn dĩ hết sức phong phú, đa dạng của ngành truyền thông. Do đó, những người trẻ, với tính nhạy bén thông tin của mình, đã chủ động tìm đến những ngành học phù hợp sở thích và giúp nâng cao cơ hội cạnh tranh như báo chí là điều tất yếu có thể hiểu được", ông Hạ nói.Lượng hồ sơ nộp xét tuyển vào ngành báo chí hằng năm luôn rất nhiều, thường cao gấp 10 lần so với khả năng tiếp nhận, thậm chí có năm cao hơn gấp 20 lần.
Theo Báo Tuổi trẻ