Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga là một trong những yếu tố chính gây thách thức cho chiến dịch phản công của Ukraine ở mặt trận Zaporizhia, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định.
ISW ngày 16/6 dẫn thông tin từ một blogger quân sự nổi tiếng của Nga nói rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga cản trở việc quân đội Ukraine sử dụng các loại đạn pháo dẫn đường chính xác và gây nhiễu nghiêm trọng.
Đặc biệt, nguồn tin cho hay, Nga đang sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN để vô hiệu hóa cảm biến của các thiết bị trinh sát đường không Ukraine và hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 để ngăn chặn liên lạc bằng tín hiệu vệ tinh trong bán kính 300km.
Trước đó, ISW đánh giá các hệ thống tác chiến điện tử của Nga có thể gây thách thức nghiêm trọng cho hoạt động phản công của Ukraine ở Zaporizhia. Tuy nhiên, ISW lưu ý rằng, còn quá sớm để đoán định kết quả chiến dịch phản công của Kiev.
Đến nay, vẫn còn nhiều tranh luận liệu Ukraine đã thực sự phản công hay chưa. Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak, cho biết Kiev chỉ đang thăm dò toàn chiến tuyến, chưa bắt đầu phản công.
Theo ông Podolyak, Ukraine đang áp dụng một phương pháp tác chiến hiện đại. Ông cũng bác bỏ đánh giá của các chuyên gia phương Tây rằng chiến dịch phản công của Ukraine đối mặt nhiều thách thức ở phía trước và khó giành được đột phá.
Nhận định về thời điểm chấm dứt xung đột, ông Podolyak dự đoán, điều này khó xảy ra trước năm 2024.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 16 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hai bên khẳng định vẫn để ngỏ đàm phán, song đều đưa ra những điều kiện mà bên kia cho rằng không thể chấp nhận được. Giới phân tích nhận định, chiến sự kéo dài ít nhất sang năm 2024.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/6 phản bác tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.
"Tại sao ông ấy không làm điều đó sớm hơn. Khi xung đột nổ ra (ở miền Đông Ukraine), ông ấy vẫn là tổng thống", ông Zelensky lập luận.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh: "Tôi nghĩ ông ấy không thể làm điều đó. Hiện giờ trên thế giới không có ai có tiếng nói đủ trọng lượng để buộc Nga chấm dứt cuộc xung đột này".
Trong nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải, phái đoàn gồm các lãnh đạo châu Phi do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa dẫn đầu hôm nay 16/6 đã đặt chân đến Kiev để bắt đầu "sứ mệnh hòa bình". Phái đoàn dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky tại Kiev, sau đó với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow.
Theo nguồn tin của Reuters, mục tiêu của sứ mệnh này là đề xuất một loạt biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên ở giai đoạn đầu hòa giải, thúc đẩy các bên tham gia đàm phán ngoại giao.
Các biện pháp có thể bao gồm: Nga rút quân khỏi Ukraine, rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus, tạm ngừng lệnh của Tòa Hình sự Quốc tế về việc bắt giữ ông Putin, dỡ bỏ trừng phạt Nga.
Theo Pravda, RT