Phiên thảo luận chuyên sâu thứ ba thuộc chuỗi sự kiện Vietnam Innovators Summit tập trung khai thác chủ đề tương lai của khí hậu Việt Nam và vai trò của chiến lược ESG trong quá trình xanh hoá của đất nước. Phiên thảo luận diễn ra tại The Sentry và được dẫn dắt bởi Michele Wee - CEO của Standard Chartered Vietnam. Tham gia thảo luận có sự góp mặt của Don Lam (VinaCapital), Holly Bostock (Heineken Vietnam), Masuko Yosuke và Sanae Takasugi (Pizza 4P’s), và Gricha Safarian (Puratos Grand-Place Indochina). Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, và cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong khu vực. Các nhà khoa học và môi trường học đã nhiều lần cảnh báo rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với thiệt hại kinh tế nặng nề nếu không kiểm soát được tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngay sau đó, Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực và triển khai nhiều hành động thiết thực nhằm hiện thực hoá các mục tiêu của mình. Tại COP27 năm nay, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết giảm phát thải ròng như đã đề ra trong COP26. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng ngày càng đề cao tính bền vững trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Vào tháng 9 vừa qua, đơn vị sản xuất ô tô điện VinFast đã công bố tham gia Cam kết Khí hậu toàn cầu “The Climate Pledge” (TCP). Đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia TCP. Tuy nhiên, xây dựng một kế hoạch phát triển bền vững chung cho tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội là điều không tưởng. Mỗi ngành nghề từ nông nghiệp, sản xuất, xây dựng cho đến F&B đều có những đặc thù riêng và vì thế, cần phải lên chiến lược cụ thể cho từng ngành. Ngoài ra, quá trình "xanh hoá" còn cần một nguồn tài trợ khồng lồ. "Để đạt được cam kết mức phát thải ròng bằng 0, Việt Nam sẽ cần hơn 300 tỷ đô la Mỹ" - ông Don Lam, Partner của quỹ đầu tư VinaCapital Group cho biết.