Chỉ trong khoảng 1 tháng gần đây, số ca tử vong do tai nạn đuối nước khi tắm sông, suối, biển lại bắt đầu tăng cao. Vì thời tiết nắng nóng nên mọi người thường tìm những nơi mát mẻ để vui chơi hoặc tắm bơi. Tuy nhiên việc bảo hộ lại vô cùng sơ xài, thiếu kỹ năng sẽ khiến tính mạng của bản thân không được bảo vệ an toàn.
Vừa qua số người đuối nước do tắm sông, suối tăng liên tục như trường hợp em N (14 tuổi, học sinh lớp 8) ở Hải Phòng trong quá trình tắm dưới sông, không may bị đuối nước và mất tích vào ngày 19/5.
Cùng ngày, một nam thanh niên tên T (29 tuổi) ở thành phố Vĩnh Long cũng bị đuối nước. Theo người nhà T cho biết, khi T tắm được một lúc thì khoảng 15 giờ bắt đầu có dấu hiệu đuối nước, sau đó chìm xuống sông, mất tích nên đã trình báo Công an.
Tương tự như trường hợp trên chiều 20/5, một nam công nhân (20 tuổi) quê ở Nghệ An đến bơi ở khu vực gần khu huấn luyện đua thuyền thành phố tại sông Gia, Hải Phòng rồi mất tích.
Còn tại Bình Thuận ngày hôm qua, 4 em học sinh tiểu học rủ nhau đi chơi, hái sen ở ao gần kênh thủy lợi Sông Quao. Sau đó, các em xuống kênh tắm thì bị đuối nước, dòng nước cuốn đi và chìm mất tích.
Những khu vực này thường là nơi tắm bơi tự phát của những người gần đó nên không có sự giám sát của người quản lý, lực lượng cứu hộ dẫn đến ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn. Khi xảy ra tai nạn các nạn nhân sẽ không được ứng cứu kịp thời dẫn đến đuối nước và thiệt mạng.
Sự việc thương tâm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, nhà trường, địa phương… Vậy nên để tình trạng đuối nước được giảm dần mọi người cần chung tay để tuyên truyền, bảo vệ.
Làm gì để phòng tránh đuối nước?
Trang bị kỹ năng bơi lội
Bằng cách cả người lớn và trẻ nên đến trung tâm học bơi chuyên nghiệp để được dạy về cách khởi động, cách xử lý tình huống khi bất ngờ bị té xuống sông, bị chuột rút, cách xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy….
Giám sát, cảnh báo về nguy cơ khi tắm suối, sông, hồ, biển
Bên cạnh việc dạy trẻ bơi, người lớn cần ý thức giám sát và cảnh báo cho trẻ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ,....
Chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường thủy
Khi đi du lịch hoặc tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu thuyền cũng phải được trang bị đủ số lượng các thiết bị cứu hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi có tai nạn xảy ra.
Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước
Khi phát hiện có người bị đuối nước, cần hô hoán để nhiều người có thể nghe được chạy đến trợ giúp. Nếu không biết bơi tuyệt đối không bao giờ được nhảy xuống biển, ao, hồ, sông sâu để cứu người bị tai nạn đuối nước.
Khi cứu người bị đuối nước, cần phải có thuyền, cây, dây, phao hoặc can nhựa để làm phao...
Người có khả năng bơi lội tốt, có kỹ năng thì có thể xuống nước để cứu người. Khi đưa được người bị nạn lên bờ, người cứu hộ phải nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo để khai thông lại khí quản giúp người bị đuối nước có thể thở lại.
Che chắn an toàn để tránh đuối nước
Đối với khu vực trong gia đình như giếng nước, bể nước, hồ thoát nước...cần làm rào chắn để hạn chế tình trạng trẻ em vô tình rơi xuống dẫn đến ngạt nước.
Đối với các vùng miền núi hay vùng bị ảnh hưởng của lũ quét, cần phải chấp hành đúng hướng dẫn sơ tán của chính quyền địa phương trước khi lũ xảy ra. Tuyệt đối không được bơi trong dòng nước lũ và trẻ em phải luôn được người lớn trông coi, giám sát cẩn thận.