Sáng 15/6, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, sự cố đã làm rơi gối tại một vị trí trụ (P14-10 đoạn VD14) và chuyển vị gối tại 9 vị trí trụ, chiếm 0,4% trên tổng số 1.910 gối cầu. Như vậy, số gối bị chuyển vị đã tăng lên 4 vị trí so với tháng 11/2021.
Lãnh đạo MAUR cũng cho hay nguyên nhân sự cố cũng được kết luận dựa trên kết quả quan trắc, thí nghiệm bổ sung của nhà thầu Liên danh SCC, rà soát của Tư vấn WSP (Tư vấn Phần Lan tham gia thẩm tra).
Theo đó, ông Hiển lý giải có 2 yếu tố tác động gây ra sự cố là có khe hở giữa gối cầu và đá kê gối. Điều này làm diện tích tiếp xúc giữa bề mặt gối cầu và đá kê gối giảm, hệ số ma sát cũng giảm và tăng ứng suất cục bộ tại điểm tiếp xúc.
Yếu tố thứ 2 là tác động ray do sự thay đổi của nhiệt độ trong quá trình thi công. Tức sự biến thiên nhiệt độ đáng kể tại khu vực thi công sẽ tác động dẫn đến cả ray và dầm cùng giãn nở hoặc co ngót, từ đó tác động làm tăng khả năng trượt gối.
nhà thầu đề xuất khắc phục chuyển vị gối bằng cách lắp đặt kết cấu chống trượt tại 918 vị trí gối di động, bổ sung hệ khung kết cấu thép. Bên cạnh đó, nhà thầu sử dụng keo Epoxy phun lấp khe hở 733 vị trí giữa gối cầu và đá kê gối. Việc này nhằm đảm bảo gối cầu tiếp xúc bề mặt đầy đủ với đá kê gối (cả trên và dưới), đủ lực ma sát để chống lại các chuyển vị theo phương ngang.
Ông Nguyễn Quốc Hiển khẳng định các biện pháp trên được Tư vấn WSP đánh giá đảm bảo, Tư vấn chung NJPT chấp thuận theo quy trình quản lý chất lượng và phù hợp theo ý kiến các chuyên gia.
"Kết quả quan trắc của gối cầu do Liên danh SCC trình nộp hôm 8/6 cũng khẳng định các gối cầu hiện vẫn ổn định. Suốt quá trình thử tàu cũng không có chuyển vị đáng kể nào của gối cầu sau khi ray được hàn liền", ông Hiển nói và cho biết việc quan trắc gối cầu sẽ được nhà thầu tiếp tục thực hiện cho đến giai đoạn nghiệm thu.