Các phi hành gia của Nga và Mỹ trên ISS đang được tàu vũ trụ Soyuz MS-23 đón trở về, sau nhiều tháng phải kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ do sự cố rò rỉ chất làm mát.
Ngày 24-2, Nga đã phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-23 lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Sau khi đi vào đúng quỹ đạo, tàu vũ trụ Soyuz MS-23 dự kiến kết nối với ISS vào lúc 4h01 ngày 26-2 theo giờ Matxcơva (8h01 cùng ngày giờ Việt Nam).
Theo đó, 429kg đồ dùng, thiết bị phục vụ cuộc sống và nghiên cứu khoa học cho các nhà du hành sẽ được tàu vũ trụ Soyuz MS-23 vận chuyển lên ISS. Lần bay này hoàn toàn không có phi hành đoàn trên tàu vũ trụ.
Ngoài việc cung cấp đồ dùng cần thiết, Soyuz MS-23 cũng nhận nhiệm vụ đón các phi hành gia của Nga và Mỹ trên ISS trở về Trái đất, sau nhiều tháng phải kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ do sự cố rò rỉ chất làm mát.
Theo đó, 2 phi hành gia người Nga là Dmitry Petelin và Sergei Prokopyev, cùng phi hành gia Frank Rubio của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ trở về Trái đất sau thời gian dài 'mắc kẹt' trên ISS.
Theo Hãng thông tấn TASS, ban đầu, theo như đúng dự kiến, các nhà du hành vũ trụ của Roscosmos bao gồm các ông Oleg Kononenko, Nikolay Chub và phi hành gia của NASA là bà Loral O'Hara, lên ISS bằng tàu vũ trụ Soyuz MS-23 phóng vào ngày 16-3. Tuy nhiên, Nga đã quyết định phóng tàu Soyuz MS-23 sớm hơn và không có phi hành đoàn sau khi xảy ra sự cố trên tàu vũ trụ Soyuz MS-22.
Trước đó, ngày 15-12-2022, tàu Soyuz MS-22 được các phi hành gia phát hiện tàu bị rò rỉ chất làm mát do một lỗ thủng nhỏ ở bộ tản nhiệt bên ngoài khi đang chuẩn bị cho chuyến đi bộ ngoài không gian.
Theo dữ liệu sơ bộ, sự cố có thể do thiên thạch siêu nhỏ hoặc rác vũ trụ va vào phía ngoài khoang dụng cụ của tàu Soyuz MS-22.
Roscosmos thông báo sự cố không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà du hành Nga trên ISS.
Thủy Tiên