“Bộ phim tài liệu MH370 - Chiếc máy bay biến mất đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng nỗ lực của Việt Nam và khiến dư luận Việt Nam bất bình", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 6/4/2023.

Đó là câu trả lời khi được hỏi về nội dung sai sự thật trong bộ phim tài liệu vừa phát hành trên Netflix ngày 8/3/2023 vừa qua, nói về sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 của Malaysia. Nội dung phim đề cập đến việc Việt Nam không hợp tác trong nỗ lực tìm kiếm chuyến bay. Phó phát ngôn viên đã khẳng định các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương, chủ động lên nhiều phương án tìm kiếm và ứng phó. Cũng như tích cực chia sẻ thông tin và phối hợp với Malaysia, cùng các quốc gia khác, tạo điều kiện cho các phóng viên nước ngoài đưa tin.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

“Những nỗ lực vào thời điểm đó đã được cộng đồng Quốc tế cũng như nhiều báo chí trong nước đưa tin và ghi nhận. Do đó, chúng tôi yêu cầu công ty sản xuất và nhà làm phim phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, cũng như gỡ bỏ, sửa đổi những nội dung không phù hợp" – bà Hằng phát biểu tại cuộc họp.

Những nỗ lực của Việt Nam tại thời điểm MH370 bị mất tích năm 2014

Là nước đầu tiên tổ chức tìm kiếm Việt Nam đã sử dụng 11 máy bay, 10 tàu các loại như thủy phi cơ DHC6, máy bay tìm kiếm cứu nạn Mi171, máy bay vận tải AN26, máy bay tuần thám biển CASA, tàu Hải quân, tàu Cảnh sát biển, tàu SAR 413, SAR 272, SAR 413. Đặc biệt, có sự tham gia của tàu nghiên cứu biển HQ888 (mang tên GS Trần Đại Nghĩa) - tàu thăm dò 3D màu hiện đại nhất Đông Nam Á. Đây là lực lượng tìm kiếm có quy mô kỷ lục tại Việt Nam, nhằm tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.

Sáng ngày 8/3/2014, ngay khi nhận thông tin Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng), đã chỉ thị Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam phát đi thông báo cho các phương tiện đang hoạt động gần trong khu vực, tàu đánh cá… nắm bắt thông tin hỗ trợ tìm kiếm. Đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng điều động tàu Hải quân, cảnh sát biển tìm kiếm và cứu nạn. Nâng cao công tác phối hợp cùng với các Trung tâm Hàng hải Malaysia, Trung Quốc, Singapore.

Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, Việt Nam đã sử dụng 4 máy bay bay gồm 2 AN 26 bay tìm kiếm 2 chuyến, 2 Mi171 bay 2 chuyến và 7 tàu các loại gồm: SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774. Và ngay trong chiều 8/3, máy bay AN26 phát hiện 2 vệt giống vệt dầu loang trên biển, có chiều dài 15-20 km cách đảo Thổ Chu 140km về phía Nam. Tuy nhiên, vệt dầu được tàu HQ954 và HQ 637 được cử đến ngay sau đó xác định không liên quan đến máy bay MH370.

Ngày 9/3, máy bay AN26 lại tiếp tục phát hiện vệt dầu loang kích thước 10x80 km, theo hướng Bắc Nam cách vị trí ban đầu khoảng 80km về phía Tây Nam. 11h cùng ngày, đội lặn trên thuỷ cơ DHC6 tham gia tìm kiếm, đã phát hiện vật thể màu trắng hình chữ nhật có lỗ tròn giữa, nghi ngờ là cửa thoát hiểm của máy bay. Nhưng khi tàu KN 774 tiếp cận hiện trường để xác minh thì lại không có kết quả.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (ngoài cùng bên trái) họp bàn công tác tìm kiếm thường xuyên cùng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tư lệnh Không quân và các bên liên quan. Ảnh: Nguyên Anh.

Đến 17h cùng ngày, tại trụ sở Bộ Quốc phòng diễn ra cuộc họp của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Ủy ban An ninh Hàng không Dân dụng. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, phải tìm kiếm cứu nạn 24/24, mở rộng phạm vi và cho phép lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, trên Hải phận Việt Nam.

8h ngày 10/3, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đến Trung tâm Điều hành của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các lực lượng của Bộ Quốc phòng. Ông đã chỉ đạo đảm bảo nguồn nguyên liệu và thông tin liên lạc cho các phương tiện tìm kiếm. Bộ Tư Lệnh Quân khu 9 đảm bảo quân y, hậu cần cho 2 Sở Chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc và Cà Mau, để phối hợp chỉ đạo lực lượng trong và ngoài nước tham gia phối hợp tìm kiếm.

Trong ngày tìm kiếm thứ 3, Việt Nam đã bay 12 chuyến, điều 7 tàu tiếp tục tìm kiếm tại hiện trường, mở rộng phạm vi dò tìm. 4 máy bay, 11 tàu của Malaysia, Singapore, Trung Quốc cũng tham gia tìm kiếm trên vùng biển, vùng trời thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 11/3, hai máy bay tuần thám CASA-212 của Việt Nam được huy động. Đây là máy bay tuần thám hiện đại trang bị cho Cảnh sát Biển, có thể trinh sát, phát hiện tàu chiến, tàu ngầm của đối phương bất kể ngày đêm. CASA-212 có thể bay trên biển liên tục 7 giờ, đạt tốc độ bay 360 km một giờ, tầm bay đạt 1.800 km. Ngoài 2 chiếc CASA, Việt Nam sử dụng thêm 7 máy bay khác, cùng 9 tàu, mở rộng phạm vi so với khu vực tìm kiếm hôm trước.

Ngày 12/3, không quân bay 4 chuyến, HQ 888 tìm kiếm ở gần Hòn Khoai, các phương tiện còn lại tiếp cận các vị trí dọc theo hai bên của đường bay L637 Kuala Lumpur - Bắc Kinh để mở rộng phạm vi và phối hợp với các lực lượng nước ngoài gồm 4 máy bay (Trung Quốc 1, Hoa Kỳ 1, Malaysia 2) và 4 tàu (Mỹ 1, Thái Lan 3).

Sau nhiều ngày tìm kiếm, tung tích MH370 vẫn bặt vô âm tín, dù nhiều dấu vết nghi ngờ của chiếc máy bay được tìm thấy xung quang khu vực vùng biển mà nó mất tích. Việt Nam đã mở rộng thêm vùng tìm kiếm xuống rừng U Minh (Cà Mau), đồng thời cử tàu, máy bay đến khu vực vệ tinh Trung Quốc chụp được vật thể lạ cách Côn Đảo khoảng 140 hải lý.

Vùng tìm kiếm MH370

Đến sáng ngày 14/3, sau nhiều ngày tìm kiếm trên một vùng diện tích rộng khoảng 80.000km2, nhưng không có tiến triển. Bộ Quốc phòng gửi công điện cho Bộ Tư lệnh Hải Quân, phòng không Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 5, 7, 9 yêu cầu các lực lượng tham gia tìm kiếm chuyển trạng thái từ “tìm kiếm tích cực” sang “tìm kiếm duy trì” kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền.

Bước sang ngày thứ 8, Việt Nam sử dụng 2 máy bay AN 26 và một CASA trực sẵn sàng bay cùng 7 tàu tiếp tục cơ động ở các khu vực đã được phân công. Lực lượng nước ngoài đang ở vùng biển Việt Nam gồm có 2 máy bay Trung Quốc, 2 máy bay Singapore, và một máy bay Mỹ.

13h cùng ngày, khi việc tìm kiếm đang diễn ra, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo nước này tạm dừng tìm kiếm trên Biển Đông. Một giờ sau, Bộ Quốc phòng Việt Nam họp và 16h30 trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mư trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tuyên bố, "dừng hoạt động tìm kiếm máy bay MH370 trên vùng biển Việt Nam".

"Hơn một tuần qua, Việt Nam đã triển khai lực lượng tìm kiếm đầu tiên, lớn nhất với 11 máy bay và 7 tàu cùng lực lượng trên bộ, lực lượng biên phòng, tàu đánh cá.... Máy bay thực hiện 55 chuyến, còn tàu biển cày trên diện tích trên 100.000 km2 nhưng chưa tìm được dấu vết nào của máy bay mất tích. Việt Nam dừng tìm kiếm đồng thời thông báo lực lượng tìm kiếm của các nước được Việt Nam cấp phép rút khỏi vùng biển Việt Nam", ông Tuấn nói.

Phía Malaysia thông báo sẽ tiếp tục tìm kiếm theo 2 hướng. Hành lang thứ nhất sẽ tìm kiếm từ Malaysia qua Thái Lan sang hướng Kazakhstan, Trung Á; hành lang thứ hai kéo về hướng bờ biển Indonesia. Với vùng tìm kiếm rộng lớn này, Malaysia có thể sẽ phải nhờ đến lực lượng nước ngoài phối hợp tìm kiếm.

"Những ngày qua Việt Nam đã huy động lực lượng trang bị hiện đại, con người tinh nhuệ đã qua luyện tập dài ngày hỗ trợ Malaysia. Sắp tới, khi nước bạn yêu cầu thì một lực lượng tàu biển và không quân của Việt Nam sẽ tham gia hỗ trợ", Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho hay.

Nguồn – tổng hợp.