Từ khắp thế giới, những lời chia buồn được gửi tới gia đình và những người thân yêu của năm người thiệt mạng trong thảm kịch Titan, khi chiếc tàu lặn này được xác nhận đã "nổ thảm khốc".
Chiều 22-6 theo giờ địa phương (rạng sáng 23-6 giờ Việt Nam), chuẩn đô đốc John Mauger của Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) chính thức thông báo tàu lặn Titan đã bị ép bẹp một cách thảm khốc và toàn bộ năm người trên tàu (gồm một người lái tàu và bốn hành khách) đều đã thiệt mạng.
Tia hy vọng vụt tắt
Thông báo của USCG khép lại chiến dịch tìm kiếm quốc tế đặc biệt kéo dài năm ngày, chuyển cuộc tìm kiếm sang giai đoạn trục vớt và tìm hiểu nguyên nhân tai nạn dẫn đến thảm kịch Titan.
Theo Đài CNN, kết luận trên được USCG đưa ra trên cơ sở việc tìm thấy mảnh vỡ đuôi và nhiều bộ phận khác của tàu lặn cách xác tàu Titanic chưa đầy 500m, ở độ sâu 3.800m dưới mực nước biển.
Trước đó, theo báo New York Times, khoảng 9h ngày 18-6, tàu lặn Titan đã được thả từ tàu thám hiểm Polar Prince để bắt đầu chuyến hành trình ngắm xác tàu Titanic.
Địa điểm thả tàu là vùng biển quốc tế thuộc Đại Tây Dương, cách vùng cực đông Newfoundland của Canada hơn 600km. Tàu Titan mất liên lạc với tàu mẹ sau khoảng 1 giờ 45 phút lặn xuống biển sâu.
Cuộc tìm kiếm tàu lặn Titan nhanh chóng trở thành chiến dịch giải cứu quốc tế với sự tham gia của Mỹ, Canada và Pháp.
Lúc đầu, tuần duyên Mỹ và Canada thực hiện tìm kiếm trên khu vực quanh bề mặt biển, sử dụng phao sonar và hàng loạt máy bay mang cảm biến âm thanh tiên tiến. Ngày 19-6, các chuyên gia bắt đầu nhận định nếu tàu Titan còn nguyên vẹn, những người trong tàu sẽ có đủ dưỡng khí cho khoảng 70 - 96 tiếng, đặt hạn chót cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Hy vọng được thắp lên khi USCG thông tin các máy bay tìm kiếm của Canada đã ghi nhận tiếng động dưới biển bằng cách sử dụng phao sonar vào hôm 20 và 21-6.
Tuy nhiên, các thiết bị tìm kiếm dưới nước được điều khiển từ xa hướng đến nơi phát hiện tiếng ồn này đã không mang về kết quả như mong đợi. Các quan chức cho biết âm thanh có thể không bắt nguồn từ tàu lặn Titan.
Tính đến ngày 21-6, hàng loạt phương tiện, trang thiết bị hiện đại đã tham gia cuộc tìm kiếm, bao gồm hệ thống trục vớt có khả năng chạm đáy đại dương của hải quân Mỹ, tàu quân y Canada được trang bị buồng giảm áp giúp những người mất tích thích nghi với áp suất mặt biển nếu được giải cứu, các máy bay và tàu vận chuyển được trang bị cảm biến tân tiến...
Tuy nhiên, hy vọng tắt dần khi thời gian oxy ước tính còn trong tàu sắp cạn kiệt. Phải sang ngày 22-6, thiết bị điều khiển từ xa (ROV) đầu tiên mới tiếp cận được khu vực đáy biển. Với việc mất tích ở độ sâu khoảng 3.800m, tàu Titan chỉ có thể được tìm thấy và trục vớt bởi một số ít ROV trên thế giới.
Đến trưa 22-6 (giờ địa phương), USCG cho biết đã tìm thấy mảnh vỡ đầu tiên nghi là từ thân tàu Titan. Sau đó, lực lượng này cho biết đã tìm thấy năm mảnh vỡ lớn của con tàu. Khoảng 15h cùng ngày, chuẩn đô đốc John Mauger công bố kết luận về số phận tàu lặn Titan.
Khó xác định nguyên nhân
Theo kênh tin tức Euronews, khi đã biết số phận của những người trên tàu lặn Titan, giờ đây trọng tâm sẽ chuyển sang xác định nguyên nhân của vụ tai nạn.
Vì tàu Titan không có hộp đen, việc xác định đúng nguyên nhân tai nạn chỉ có thể thực hiện khi thu được hầu hết mảnh vỡ tàu lặn. Các nhà điều tra sẽ đặt các mảnh vỡ này dưới kính hiển vi để kiểm tra các sợi carbon, tìm kiếm các vết rách có thể gợi ý vị trí chính xác nơi xảy ra đứt gãy đầu tiên.
Theo Đài CNN, con tàu có thể đã bị áp lực nước đè bẹp từ ngoài vào trong. Dưới áp suất lớn gấp 400 lần trên mặt biển, bất kỳ sự cố nào với thân tàu đều có thể dẫn đến thảm họa. Ở độ sâu 3.800m, tàu lặn Titan có thể bị nghiền nát trong vòng chưa đầy một mili giây, với sức ép nặng khoảng 4.000 tấn và nhanh đến mức "người bên trong còn chưa kịp nhận ra có vấn đề".
Ông James Cameron - đạo diễn bộ phim nổi tiếng Titanic và là chuyên gia về tàu lặn - cũng chỉ ra điểm yếu trong thiết kế của tàu lặn Titan.
Dù thường được dùng trong công nghiệp hàng không nhờ khối lượng nhẹ và đặc tính cứng hơn nhôm và thép, vật liệu sợi carbon cấu thành thân tàu lại "không có khả năng chịu nén". Điều này đặc biệt nguy hiểm khi áp lực nước đột ngột tăng. Ông Cameron nhận định: "Vật liệu này chỉ đơn giản là không phù hợp".
Theo báo New York Times, năm 2012 đạo diễn Cameron đã đích thân thiết kế và lái một tàu lặn xuống thám hiểm điểm sâu nhất thế giới ở rãnh Mariana, với độ sâu lên đến 11.000m. Đạo diễn này cũng đã có 33 chuyến lặn thăm xác tàu Titanic.
Phớt lờ cảnh báo
Bất chấp việc hoạt động trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, tàu Titan chưa từng được Công ty OceanGate mang đi kiểm định do lo ngại quá trình này diễn ra quá lâu. Phần duy nhất trên tàu dùng để nhìn ra bên ngoài cũng chỉ được thiết kế cho độ sâu tối đa 1.300m, trong khi xác tàu Titanic nằm gần 4.000m dưới mặt biển.
Đạo diễn James Cameron phát biểu: "Tàu Titanic chìm do thuyền trưởng đã bỏ qua các cảnh báo, chạy hết tốc lực trong điều kiện tầm nhìn hạn chế và đâm vào băng. Chúng ta thấy điều tương tự xảy ra về các lời cảnh tỉnh không được nghe theo, vì tàu Titan chưa được chứng nhận an toàn".
Tìm thi thể nạn nhân ra sao?
Theo báo Independent, hôm 22-6 khi được hỏi về việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ tai nạn tàu lặn Titan, chuẩn đô đốc John Mauger cho biết: "Môi trường dưới đáy biển nơi vụ tai nạn xảy ra rất khắc nghiệt. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm ở dưới đó, nhưng hiện tại tôi không có câu trả lời về khả năng tìm thấy họ".
Ông Mauger cũng cho biết lực lượng tìm kiếm không phát hiện dấu hiệu vụ tai nạn trong vòng 72 giờ sau khi các phao sonar được triển khai. Điều này gợi ý tàu Titan đã bị nghiền nát từ trước đó.
USCG cho biết các ROV vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn nhân lực và các trang thiết bị khác sẽ được rút về trong vòng 48 giờ sau thời điểm ông Mauger công bố số phận chiếc tàu lặn mất tích.
Trong khi đó, chia sẻ với Đài CNN, bác sĩ Aileen Marty - chuyên gia y học thảm họa tại ĐH Quốc tế Florida - đưa ra góc nhìn u ám hơn về vụ việc: "Sẽ gần như không còn gì cả. Lực lượng tìm kiếm sẽ khó có thể tìm được bất kỳ điều gì, dù chỉ là một mô người".
Sau khi số phận của tàu Titan được công bố, gia đình của các nạn nhân đã bắt đầu lo việc an táng người thân. Thay mặt công ty vận hành tàu Titan, ông Guillermo Sohnlein - người đồng sáng lập OceanGate - đã gửi lời chia buồn đến người nhà các nạn nhân: "Sự ra đi của những người trong tàu là mất mát to lớn không chỉ với gia đình mà còn với cộng đồng thám hiểm đại dương".
Xuống biển sâu khó hơn lên vũ trụ
Ông Rush đang cố gắng dân chủ hóa độ sâu và cho phép loài người khám phá giới hạn to lớn cuối cùng.
Doanh nhân Fred Hagen nói về người sáng lập OceanGate Stockton Rush
Tuy nhiên, câu chuyện của doanh nhân 61 tuổi này cùng chiếc tàu lặn xấu số Titan đã cho thấy việc khám phá biển sâu vẫn còn nhiều thách thức và cuối cùng đã khiến ông Rush phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Đam mê biển sâu của cha đẻ OceanGate
Ông Rush thành lập Công ty OceanGate vào năm 2009 với tham vọng tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực thám hiểm dưới nước. Công ty có trụ sở tại bang Washington (Mỹ) này chuyên cung cấp tàu lặn có người lái cho du lịch, công nghiệp, nghiên cứu và thăm dò.
Doanh nhân Fred Hagen, người đã thực hiện hai chuyến khám phá xác tàu Titanic với OceanGate, nói về tham vọng to lớn của ông Rush: "Ông ấy đang mở ra một lĩnh vực mới cho nhân loại".
Niềm đam mê thám hiểm của ông Rush bắt đầu từ sớm. Ở tuổi 14, ông Rush đã nhận chứng chỉ thợ lặn và đến năm 19 tuổi đã trở thành phi công.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí khoa học Smithsonian (Mỹ) cách đây bốn năm, ông Rush kể lại rằng lớn lên trong một gia đình giàu có ở thành phố San Francisco, ông đã muốn trở thành một phi hành gia.
Tuy nhiên, khi các doanh nhân như Jeff Bezos và Richard Branson bắt đầu phát triển du lịch vũ trụ thương mại, ông Rush đã chuyển hướng sang lĩnh vực khác: khám phá các khu vực đại dương sâu thẳm.
Niềm đam mê khám phá biển sâu của ông Rush đã biến thành một mô hình kinh doanh ngay khi ông bắt đầu nhận thấy rằng các đại dương là một thị trường ít cạnh tranh hơn không gian.
Thách thức
Tuy nhiên, niềm đam mê khám phá biển sâu của ông đối diện nhiều thách thức. Trước hết, bản thân ông Rush thừa nhận giống như việc du hành vào không gian vốn chịu các thách thức đáng kể, việc phát triển một chiếc tàu lặn để chịu được áp suất khổng lồ hơn 140 triệu pound (63,5 triệu kg) trên toàn bộ thân tàu cũng giống như vậy.
"Đó là thách thức kỹ thuật đầy khó khăn. Một khi tàu lặn được đóng vững chắc, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ ít gặp rủi ro hơn khi đi dưới nước. Nhưng ngày nay không có gì là không có rủi ro", ông Rush nói trên Đài phát thanh Detroit.
Kế đến, ông Rush không giấu giếm sự chán ghét của mình đối với các biện pháp an toàn truyền thống. Theo Smithsonian, ông Rush đã chọn chế tạo tàu lặn Titan từ sợi carbon vì nó sẽ nhẹ hơn, rẻ và dễ vận chuyển hơn so với thiết kế kim loại truyền thống.
Tuy nhiên, Ủy ban tàu lặn có người lái của Hiệp hội Công nghệ hàng hải Mỹ đặc biệt lo ngại khi Công ty OceanGate đã không nộp bản thiết kế của họ cho một tổ chức đăng kiểm (classification society) chứng nhận.
Ông Will Kohnen, chủ tịch ủy ban này, cho biết hiện nay chỉ có 10 tàu trên toàn thế giới được chứng nhận đủ điều kiện chở người ở độ sâu 4.000m dưới mực nước biển.
Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn năm ngoái, Đài CBS đã hỏi ông Rush liệu doanh nhân này có kiếm được tiền từ hoạt động khám phá biển sâu hay không. Lúc đó, ông Rush đáp "Chưa!".
Người sáng lập OceanGate cho biết những người khác có thể xem số tiền 250.000 USD - giá với mỗi người để xuống ngắm xác tàu Titanic - là "rất nhiều tiền", nhưng ông lưu ý "chúng tôi tiêu tốn hơn 1 triệu USD" tiền nhiên liệu.
Ông Anthony Eddies-Davies, người điều hành Công ty Adventure Consultancy (nơi cung cấp lời khuyên về sự an toàn trong du lịch mạo hiểm), nhận định thảm họa tàu lặn Titan sẽ ảnh hưởng xấu đến các dự án mạo hiểm khác dưới biển sâu.
Tuy nhiên, ngay cả sau thảm họa Titan, một số người vẫn bảo vệ tầm nhìn của ông Rush về việc khám phá biển sâu. Doanh nhân Fred Hagen so sánh tầm nhìn của ông Rush với tầm nhìn của anh em nhà Wright - những người đầu tiên thử nghiệm thành công cho phi cơ bay được.
Ông Stockton Rush là người lái tàu lặn Titan của Công ty OceanGate để đưa bốn nhà thám hiểm đi khám phá xác tàu Titanic (nằm dưới đáy đại dương ở độ sâu 3.800m suốt 111 năm) vào hôm 18-6 vừa qua.