Ve sầu là loài thuộc họ côn trùng có cánh, chúng còn có tên gọi khác là Kim Thiền, và có khoảng hơn 2.500 loài trên thế giới, sống trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới. Ve sầu thường gây chú ý vào mùa hè, vì có khả năng tạo ra những âm thanh inh ỏi đặc biệt. Loài bọ này có kích thước to lớn, cùng hình dáng đặc biệt với đầu to và hai cánh có nhiều vân. Chúng hoàn toàn vô hại với con người, thậm chí có thể chế biến thành món ăn dinh dưỡng, hoặc nguyên liệu trong thuốc đông y.
Một số loài ve sầu có vòng đời từ 13 đến 17 năm, chủ yếu sống ở trong lòng đất dưới dạng ấu trùng. Dưới đây là những sự thật thú vị về loài côn trùng có cách đặc biệt này
1/ Trừ Châu Nam Cực, ve sầu có thể sống ở mọi nơi trên trái đất.
Môi trường khí hậu ưa thích của ve sầu là những nơi ấm và ẩm, đặt biệt là trong môi trường nhiệt đới. Do đó những khu vực thuộc vùng khí hậu trên như: Đông Nam Á, Úc, Châu Mỹ Latinh, Nam phi, phía tây Thái Bình Dương là nơi sống tập trung của loài này.
Siêu họ Cicadidae của loài ve sầu chia làm 2 họ: họ thứ nhất là Tettigarctidae phần lớn đã tuyệt chủng, chỉ còn 2 loài còn sinh tồn, sống ở phía nam nước Úc và Tasmania; họ thứ 2 là Cicadidae sống ở mọi châu lục trừ Châu Nam Cực nơi có khí hậu lạnh khắc nghiệt
2/ Ve sầu không thuộc họ châu chấu
Với vẻ ngoài to lớn, cùng bộ cánh cứng dài nên ve sầu thường hay bị nhầm lẫn với loài châu chấu. Tuy nhiên, thực tế đây là 2 loài thuộc hai bộ khác nhau: ve sầu thuộc bộ côn trùng cánh nửa (Hemiptera), châu châu thuộc bộ côn trùng cánh thẳng (Orthoptera). Ngoài hình dáng cơ thể thì, tập tính sống theo bầy đàn của ve sầu cũng gây ra sự nhầm lẫn nêu trên. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của hai loài này chính là ve sầu không hoặc rất ít gây hại cho mùa màng, thực vật, trong khi đó một bầy châu chấu có thể tiêu thụ lượng thức ăn tương đương 35.000 người trong một ngày.
3/ Ve sầu là một trong những loài côn trùng có vòng đời dài nhất
Hầu hết các loài ve thường có vòng đời từ 2 đến 5 năm. Một số loài có vòng đời dài hơn rất nhiều, như loài Magicicada có vòng đời 13 năm và đôi khi là 17 năm. Chu kỳ giao phối 17 năm của loài ve sầu Bắc Mỹ, không cùng thời điểm với bất kỳ sinh vật nào trên trái đất. Tuy không thể so sánh được với chu kỳ 50-100 năm của loài mối, nhưng 17 năm vẫn là một con số ấn tượng so với vòng đời từ 15 đến 30 ngày của loài ruồi.
4/ Ve sầu dành phần lớn cuộc đời ở dưới đất.
Phần lớn cuộc đời của ve sầu là sống trong lòng đất với độ sâu khoảng từ 30cm đến 2,5m dưới dạng ấu trùng. Ve sầu thường đẻ trứng trong các hốc và vết nứt của cây, sau 6-10 tuần trứng sẽ nở thành ấu trùng và nhanh chóng rơi xuống, đào sâu vào trong đất, chúng tồn tại bằng chất dinh dưỡng hút từ nhựa rễ cây. Đây cũng là giai đoạn có tỷ lệ tử vong cao nhất trong cuộc đời, vì những chú nhộng ve sẽ cạnh tranh nhau để dành những khoảng đất kiếm ăn. Các ấu trùng ve sầu có những chân trước đào bới rất khoẻ, nên khi đến giai đoạn kết thúc thời kỳ ấu trùng chúng sẽ tự đào hàng để chui lên mặt đất.
5/ Ve sầu thường sống thành bầy đàn để bảo vệ và cùng nhau tồn tại
Ve sầu được biết đến là loài sống theo bầy đàn, sự xuất hiện hàng loạt của chúng thật sự là một chiến lượt sinh tồn, trước những loài động vật ăn thịt. Theo ước tính của các chuyên gia, thì có đến hàng tỉ con ve sầu cùng chung sống với nhau trong một bầy. Sự áp đảo về số lượng, cùng âm thanh inh ỏi mà chúng tạo ra, sẽ khiến cho những động vật săn mồi cảm thấy e dè và tăng khả năng sống sót cho loài ve sầu.
6/ Ve sầu không ăn lá, mà lấy chất dinh dưỡng từ nhựa cây.
Loài ve sầu có miệng giống như ống hút, để hút chất dinh dưỡng của cây. Khi còn là ấu trùng trong lòng đất, thì chúng dùng vòi để hút nhựa cây từ rễ của những loại cây khác nhau, đến khi trưởng thành lại tiếp tục dùng vòi để hút nhựa từ vỏ cây để làm thức ăn nuôi dưỡng cơ thể phát triển. Phần nhựa thực chất là phần chất lỏng được gọi là xylem, một loại mạch gỗ giúp vận chuyển chất khoáng và các chất hoà tan từ rễ lên khắp thân cây. Vì thành phần chủ yếu của xylem là nước, do đó ve sầu thường không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, khiến chúng phát triển chậm hơn các loài khác cùng họ.
7/ Ve sầu có thể đẻ đến 600 quả trứng chỉ trong vài tuần ngắn ngủi.
Thời gian sống trên mặt đất của ve sầu trưởng thành thường rất ngắn, chỉ khoảng từ 40-60 ngày, nhưng cũng đủ để ve sầu cái đẻ từ 400-600 quả trứng. Chúng thường đẻ trứng trên những nhánh cây con, mỗi ổ trứng có khoảng 25 quả, mỗi nhánh có thể có đến 20 ổ trứng, tạo thành những đường rạch dài song song trên nhánh cây. Nơi ưa thích đẻ trứng của ve sầu, là các loài cây gỗ hồ đào, cây sồi và một số loài cây ăn quả.
8/ Quá trình lột xác của ve sầu
Lột xác là hoạt động đầu tiên của loài này sau khi chúng bò lên mặt đất. Ấu trùng sẽ lột xác thành ve vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm, và thời điểm ấu trùng ve bò lên mặt đất để lột xác là khoảng tử 20:00h đến 06:00h sáng hôm sau. Sau khi lột xác cánh ve sẽ bắt đầu mở ra, tĩnh mạch và màu sắc bắt đầu trở nên đậm màu hơn, lớp da cũng dần cứng lại. Việc đầu tiên của ve sầu sau khi lột xác là hút chất dinh dưỡng từ cây, để có thể nhanh chóng trưởng thành.
9/ Âm thanh tạo ra từ ve sầu to nhất nhì trong các loại côn trùng.
Một số loài ve có khả năng tạo âm thanh đến 120 dB (đơn vị đo lường âm thanh), cao nhất nhì trong giới côn trùng. Ve sầu đực thường tạo ra âm thanh bằng cách rung hai màng mỏng, phát triển từ lồng ngực gọi là tymbal, và cọ sát đôi cánh với nhau. Ve sầu tạo ra hai loại âm thanh: một để thu hút bạn tình, một để xua đuổi kẻ thù. Tiếng kêu của “dàn đồng ca” ve sầu to như tiếng máy cưa, thậm chí có thể to hơn tiếng nhạc rock, tạo tiếng vang cách xa hàng trăm dặm.
10/ Ve sầu là “món ngon” của nhiều loài, trong đó có cả con người.
Ve sầu có hàm lượng protein cao gấp 3,5 lần thịt bò, và gấp 6 lần trong cá chép. Thịt ve sầu được biết đến với hương vị ngọt béo, vị gần giống tôm. Trong ẩm thực Việt Nam ve sầu thường được chế biến bằng cách chiên giòn. Người Mỹ đôi khi còn ăn sống, hoặc chế biến ve sầu bằng cách luộc hoặc nướng. Có thể thấy ve sầu là nguồn cung cấp protein tuyệt vời dành cho con người.
Trong tự nhiên, ve sầu cũng giống như những loài côn trùng cánh cứng khác sẽ dễ dàng trở thành món ngon cho những loài động vật ăn thịt như: chim, rắn, thằn lằn, động vật gặm nhấm.... nhưng kẻ thù lớn nhất của chúng chính là loài ong bắp cày.