Khăn tắm là vật dụng cá nhân quan trọng gần như không thể thiếu, và được sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là hầu hết mọi người đều không thật sự quan tâm đến vật dụng hữu ích này, chưa biết sử dụng khăn tắm sao cho đúng… điều này có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho sức khoẻ cá nhân, và gia đình bạn.
Hầu hết chúng ta đều chỉ coi khăn tắm là vật dụng để lau khô người, mà không biết rằng những chiếc khăn ấy chính là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh lý về da. Việc chọn bừa một chiếc khăn tắm mà không quan tâm đến chất lượng của nó, không giặt sạch khăn thường xuyên, hay thậm chí dùng chung khăn với nhiều người trong gia đình… đều có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của gia đình. Vậy cụ thể là như thế nào?
1/ Sử dụng chung khăn tắm cho cả gia đình
Đây là một thói quen xấu, nhưng lại khá thường gặp ở nhiều hộ gia đình. Nhất là những gia đình đông người, diện tích phòng tắm nhỏ hẹp… họ thường dùng chung để tiết kiệm không gian và diện tích, cùng lối suy nghĩ “người cùng một nhà, có gì đâu..”.
Thực tế, khăn tắm cũng như khăn mặt hoặc quần áo chính là một vật trung gian lây lan các loại bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ, bệnh lý về da, bệnh sùi mào gà… vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, cũng như từng cá nhân trong gia đình thì cần bỏ ngay thói quen xấu ấy.
2/ Không chú trọng đến chất liệu khăn
Nhiều người vẫn còn mơ hồ trong việc chọn lựa những chiếc khăn tắm có chất liệu như thế nào. Thật sự, chất lượng và chất liệu của khăn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm sức khoẻ. Nên ưu tiên lựa chọn những chiếc khăn tắm được làm hoàn toàn 100% bằng cotton có xuất xứ rõ ràng, để đảm bảo sự mềm mại, an toàn đối với da, đồng thời thấm hút nước tốt.
Nếu bạn chọn một chiếc khăn không rõ nguồn gốc, được trang trí bằng nhiều hoa văn, màu sắc khác nhau. Thì những chiếc khăn đó có thể ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, do thường được nhuộm bằng những loại hoá chất không an toàn, chứa hợp chất benzidine có thể gây bệnh ung thư nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Đồng thời, chất liệu kém sẽ dễ dẫn đến tình trạng khăn kém chất lượng, dễ bị rách, mục nát, biến đổi trong quá trình sử dụng, có thể gậy hại đến da và mắt.
3/ Không giặt khăn thường xuyên
Thói quen của chúng ta sau khi sử dụng khăn tắm thường là vắt lên móc để nó tự khô, rồi tiếp tục sử dụng vào ngày mai. Nhưng nhà tắm là nơi có độ ẩm cao, điều kiện thích hợp để nấm mốc, vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển. Do vậy, tốt nhất sau khi sử dụng, bạn nên phơi ở những nơi thoáng gió hoặc ngoài ánh nắng mặt trời, tránh ủ ẩm khăn lâu ngày trong phòng tắm.
Ngoài ra, khi giặt khăn cũng không nên dùng những chất tẩy rửa mạnh, vì ngoài việc làm ảnh hưởng đến chất lượng vải, độ thấm hút của khăn, thì còn có thể gây ra cảm giác khó chịu, ngứa ngáy cho người sử dụng.
4/ không thay khăn thường xuyên
Thời gian tốt nhất để sử dụng khăn là khoảng 3 tháng, sau thời gian này chất lượng khăn sẽ không còn tốt như ban đầu, dễ tích tụ thêm nhiều vi khuẩn gây hại cho da. Sau khoảng từ 2,3 ngày sử dụng thì cũng nên giặt khăn, thay mới để bảo đảm vệ sinh.
5/ Không giặt khăn trước khi sử dụng
Không phải cái gì cứ mới là sạch, nên cần bỏ ngay thói quen không giặt khăn tắm trước khi sử dụng. Những chiếc khăn bày bán trên thị trường dù có chất lượng tốt, thì cũng trải qua quá trình sản xuất, vận chuyển, trưng bày… do vậy, nó sẽ chứa một lượng lớn bụi bẩn, hay thậm chí vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm. Do đó, để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ cần giặt sạch khăn, phơi khô dưới nắng để khử sạch toàn bộ vi khuẩn và bụi bẩn trước khi sử dụng.
6/ treo khăn sai cách
Khi khăn đang ướt, bạn nên máng và giăng khăn ra hết cỡ trên thanh nằm ngang, để giúp khăn nhanh khô, hạn chế ẩm mốc và sự sinh sôi của vi khuẩn. Tránh việc treo khăn lên móc, vì như vậy khăn sẽ bị chụm lại, lâu khô, tạo môi trường thuận lợi cho việc sinh sôi của nấm mốc.
Thay đổi một số thói quen tưởng chừng vô hại, lại là cách hiểu quả để bảo vệ sức khoẻ cho cá nhân và gia đình bạn. Đừng quá bộn bề với những lo toàn, mà bỏ qua những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, vì đó mới chính là một phần cốt lõi của cuộc sống này.