Chứng khoán trở thành một trong những kênh đầu tư hiệu quả nhất từ đầu năm đến nay khi chỉ số VN-Index đã tăng hơn 130 điểm (+13%), thuộc nhóm các thị trường có mức tăng trưởng tốt trên thế giới.
Trong bối cảnh sản xuất khó khăn, bất động sản đóng băng, số tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng lên kỷ lục trong nhiều tháng qua cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào kênh này trong những tháng sắp tới.
Tài khoản chứng khoán mở mới cao nhất 10 tháng
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết chỉ riêng tháng 6 đã có hơn 145.800 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư trong nước mở mới, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng trước, cao nhất 10 tháng nay.
Hiện có gần 7,3 triệu tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ, tương đương hơn 7,3% dân số.
Trong hơn một tháng nay, nhiều cổ phiếu tăng từ vài chục đến hàng trăm phần trăm, không chỉ mang về lãi lớn cho nhà đầu tư cá nhân mà còn cho cả nhiều doanh nghiệp lớn.
Giữa lúc làm ăn ế ẩm, khoản tiền lãi chứng khoán mới gặt hái được đã mang lại niềm vui lớn cho anh Minh Tiến (kinh doanh đồ gia dụng, TP.HCM): "Cảm giác yêu đời hẳn ra".
Hay trong tuần này, nhiều cổ phiếu ngành xuất khẩu có mức tăng từ 12 - 17% như GIL (Gilimex), PTB (Phú Tài), VHC (Vĩnh Hoàn), STK (Sợi Thế Kỷ)... Các cổ phiếu VCB (Vietcombank), HPG (Hòa Phát), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), GAS (PetroVietnam Gas), BID (BIDV)... cũng đóng góp vào đà tăng của thị trường chung.
Trong lúc chỉ số VN-Index khép lại phiên cuối cùng của tuần này ở mức 1.138,1 điểm (+1,6%) thì chỉ số ở sàn Hà Nội và UPCoM đều bị giảm nhẹ so với tuần trước.
Tổng quan giao dịch cả tuần, tâm lý của phần lớn nhà đầu tư đều khá thận trọng, giá trị giao dịch bình quân ba sàn đạt hơn 17.940 tỉ đồng/phiên (-6%). Khối ngoại cũng bán ròng mạnh hơn 390 tỉ đồng, tăng gấp chục lần tuần trước.
Thị trường đang ở "vùng nhạy cảm"
Về góc nhìn kỹ thuật, ông Trần Minh Hoàng - trưởng phòng phân tích và nghiên cứu - cho biết VN-Index vẫn cần phải có phiên tăng điểm với lực cầu tốt để bứt phá ra khỏi vùng kháng cự và hướng lên khu vực 1.170 điểm trong ngắn hạn.
Ngược lại, nếu áp lực bán một lần nữa gia tăng trở lại ở vùng điểm tâm lý thì xác suất cao thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh mạnh hơn. Do đó, nhà đầu tư hạn chế giải ngân khi thị trường vẫn nằm trong "vùng nhạy cảm" và chưa rõ xu hướng.
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích Chứng khoán VNDirect - cho biết sau tuần phục hồi vừa qua, VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140 - 1.150 điểm.
Thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi hàng bắt đáy giá rẻ về tài khoản. Do đó, nhà đầu tư nên chậm lại quan sát và hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao.
Theo ông Hinh, hành động trên là cần thiết vì thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2-2023 với nhiều gam màu xám.
Nhiều dự báo cho rằng thị trường có thể tiếp tục ghi nhận một quý tăng trưởng lợi nhuận kém tích cực trong bối cảnh GDP Việt Nam tăng trưởng thấp trong quý 2-2023, thị trường bất động sản đóng băng và mặt bằng lãi suất cho vay dù có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao so với giai đoạn năm 2021 và nửa đầu năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần thận trọng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang có nhịp tăng khá mạnh gần đây, báo hiệu khả năng cao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới diễn ra ngày 25 và 26-7.
Trước áp lực Fed tăng lãi suất, tỉ giá VND đã có biến động khá mạnh trong hai tuần gần đây, điều này có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải lưu tâm đến và cân nhắc thận trọng hơn trong những bước đi nới lỏng chính sách sắp tới.
"Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng yếu tố cơ hội - rủi ro chưa thực sự nghiêng về bên nào, vì vậy nhà đầu tư cần chậm lại quan sát, hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao khi chỉ số VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140 - 1.150 điểm", đại diện VnDirect cho hay.
Không biết khi nào mới thoát được hàng
Niềm vui không đến với tất cả nhà đầu tư, khi nhiều tin không tốt lành liên tục kéo đến, đặc biệt với những cổ phiếu có liên quan đến chủ doanh nghiệp bị bắt để điều tra hành vi thao túng chứng khoán.
Điển hình sau khi cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt, đến nay toàn bộ bảy mã thuộc "hệ sinh thái FLC" gồm: FLC, ROS, HAI, AMD, GAB, KLF và ART hiện không còn được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Riêng FLC, ROS, HAI, AMD và GAB đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM hủy niêm yết bắt buộc. Như vậy, hàng trăm ngàn nhà đầu tư đang bị "giam" vốn, không biết khi nào mới có thể bán cắt lỗ và thoát hàng.
Nhà đầu tư ôm bộ ba APS, API và IDJ cũng không khỏi mỏi mệt sau tin Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ thao túng thị trường chứng khoán tại ba doanh nghiệp trên. Trong 10 phiên gần đây, bộ ba cổ phiếu trong hệ sinh thái APEC vừa trải qua tới tám phiên giảm kịch sàn, chỉ có hai phiên tăng nhẹ.
Tuần này, sau khi tin đồn liên quan đến Trung Nam Group được tung ra, nhiều nhà đầu tư không khỏi lo ngại cho Công ty chứng khoán VnDirect (VND) về các khoản đầu tư trái phiếu Trung Nam Group, nên đã nhanh chóng bán cổ phiếu VND. Song song đó, cổ phiếu HVN của Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng bị mang ra bán mạnh sau tin sẽ bị hạn chế giao dịch từ ngày 12-7.
Theo Tuổi Trẻ