Bị tai nạn gãy chân, Đinh Thị Thu Huyền phải từ bỏ ước mơ làm kiểm lâm. Về nhà, cô gái Mường một mình cải tạo khu vườn hoang của gia đình thành điểm "check in" thu hút chục nghìn khách mỗi năm.
Những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Đinh Thị Thu Huyền (30 tuổi) ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) tất bật từ sáng đến đêm. Khách đổ về nông trại Cối xay gió đông, tất bật xoay xở, cô phải nhờ thêm sự giúp đỡ của bố mẹ và chồng.
Gần 2 năm trở lại đây, điểm du lịch nông trại Cối xay gió do Huyền xây dựng bên vườn quốc gia Cúc Phương đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Cối xay gió, nhà sàn, nông trại chăn nuôi, vườn hoa hay các tiểu cảnh do cô gái Mường tạo ra được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ai đến đây cũng say mê không muốn về.
Huyền kể, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, cô phải trải qua rất nhiều khó khăn. "Trước khi khu vườn trở thành điểm "check in" vạn người mê, gia đình em bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm vì đất khô cằn không thể trồng được cây gì. Em đã phải mất hơn một năm để cải tạo lại theo ý của mình", Huyền kể.
Được biết công việc chính trước kia của cô là một tuyên truyền viên của Vườn quốc gia Cúc Phương, chuyên đến trường học dạy học sinh các kiến thức về bảo vệ rừng. Trong một lần trên đường đi công tác, em bị tai nạn và phải từ bỏ ước mơ của mình.
Đó vào năm 2019, Huyền bị ngã xe máy gãy chân, sức khỏe suy giảm nên cô phải xin nghỉ việc. Đang loay hoay tìm việc làm phù hợp để có thêm thu nhập, trong lần về nhà bố mẹ đẻ chơi, thấy khu vườn cạnh nhà bao năm vẫn bỏ hoang, cảnh bà con thôn bản bao năm vẫn nghèo nàn khiến cô trăn trở bao đêm.
Thấy du khách đến với rừng Cúc Phương ngày một đông, Huyền nảy sinh ý tưởng biến khu vườn hoang của gia đình thành điểm du lịch để mọi người ghé thăm.
"Khi có ý tưởng, em lên mạng tìm hiểu các mô hình du lịch phù hợp với khu vườn của gia đình. Vốn say mê những cánh đồng hoa, nông trại, cối xay gió, cô gái Hà Lan, thấy khu vườn nhà rất hợp với bối cảnh nên em quyết định xây dựng thành nông trại cối xay gió theo cách riêng của mình", Huyền chia sẻ.
Bắt đầu khởi nghiệp, Huyền vay mượn tiền bạc của người thân để cải tạo lại toàn bộ khu vườn, trồng cỏ, xây dựng các tiểu cảnh. Trong đó, bối cảnh chính là chiếc cối xay gió khổng lồ ở giữa vườn.
Vừa xây dựng cảnh quan, nữ 9X bỏ tiền mua nhiều giống động vật về nuôi. "Những ngày đầu, em bỏ số tiền gần 50 triệu để mua con dúi giống. Nhưng về nuôi được thời gian ngắn, dúi chết sạch mà không rõ nguyên nhân vì sao. Thế là 50 triệu đồng ra đi chỉ trong một nốt nhạc", Huyền nhớ lại.
Thấy các điểm du lịch nổi tiếng có cừu, dê rất dễ thương, Huyền lặn lội vào Ninh Thuật đặt mua 170 triệu đồng tiền cừu giống. Mua phải lứa cừu già, không hợp khí hậu, đàn cừu gần 40 con mắc bệnh, chết gần hết.
Không chỉ dúi, cừu, mà dê, ngựa, thỏ, thời gian đầu cô nuôi, con nào cũng chết, mắc bệnh khiến cô gái khóc hết nước mắt, nhiều đêm không ăn không ngủ vì tiếc số tiền đã bỏ ra. Quyết tâm làm bằng được, Huyền đã không nản chí bỏ cuộc, tiếp tục mạnh mẽ để gây dựng lại từ đầu. Thất bại với lứa cừu đầu tiên dẫn đến thua lỗ, chị Huyền rút ra được bài học để chăm bẵm chúng tốt hơn.
Thất bại đã làm cho chị có thêm kinh nghiệm. Vì thế mà khi mua những con vật nuôi tiếp theo cô đã chăm chút hơn, từ đó chăm nuôi thành công để gây dựng nên khu nông trại tuyệt đẹp. Du khách cứ từ đâu kéo đến ngày càng đông hơn.
"Nông trại của em cách xa trung tâm, đường vào cũng khó khăn nên thời gian đầu vắng khách lắm. Sau người này truyền tai người kia, các bức ảnh khách chụp tại nông trại gây "sốt" trên mạng nên mọi người đổ về ngày một nhiều. Chủ yếu đến đây là các bạn trẻ và gia đình trẻ. Ngoài thu vé vào cổng em còn cho mọi người thuê trang phục để chụp ảnh và các dịch vụ khác", Huyền cho hay.
Cô chủ trẻ nhẩm tính, mỗi năm có cả chục nghìn lượt khách đến tham quan, sử dụng các dịch vụ tại nông trại. Ước doanh thu đạt được từ 500 - 600 triệu đồng. Mỗi dịp lễ tết khách đông, cô còn tạo thêm việc làm cho bà con dân bản có thêm thu nhập.
Hiện nay nông trại Cối xay gió của Huyền chỉ phục vụ được khách đến tham quan, chụp ảnh và ăn uống ở mức độ nhỏ. Cô dự tính, khi có vốn sẽ mở rộng khu vườn hơn để phục vụ khách đến ăn, nghỉ dưỡng tận hưởng không gian núi rừng trong lành. Khi đó thì mới có thêm doanh thu cao hơn nữa.
"Phải từ bỏ công việc ở vườn quốc gia em rất tiếc. Ước mơ kiểm lâm của mình không thành hiện thực nhưng về làm nông trại đón khách du lịch em rất vui vì những kiến thức mình tích lũy được sẽ có cơ hội để chia sẻ với mọi người, để ai cũng hiểu và yêu cánh rừng hơn", Huyền bộc bạch.
Theo báo Tiền phong