Sau nhiều năm được đánh giá phải mặc một “chiếc áo” quá chật so với một siêu đô thị, với những cơ chế đặc thù mới được Quốc hội thông qua, TP.HCM kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn.

“Nhiều cơ chế chính sách đối với TPHCM đã trở thành ‘chiếc áo quá chật’, cản trở sự phát triển. Do đó, dự thảo Nghị quyết mới đã đề xuất cơ chế phát triển phù hợp hơn với một siêu đô thị. Nghĩa là chúng ta có một chiếc áo rộng hơn để phát triển một siêu đô thị như TP.HCM”, TS Trần Du Lịch nói.

Bình luận về Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM được Quốc hội thông qua bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng ủng hộ Nghị quyết và cho rằng từ này, TP.HCM sẽ có một “chiếc áo” rộng hơn, phát triển xứng tầm là đô thị lớn nhất cả nước, đóng góp về GDP và thu ngân sách luôn dẫn đầu.

Nghị quyết mới của Quốc hội trao cho TP.HCM nhiều cơ chế đột phá về thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, tổ chức bộ máy…

Cơ chế để huy động nguồn lực

“Từ lâu TP.HCM đã có phần hụt hơi về phát triển, không được như kỳ vọng về một siêu đô thị, thành phố lớn nhất cả nước. Tôi cho rằng Nghị quyết mới là rất cần thiết, kịp thời, làm sao để TP.HCM phát triển xứng tầm hơn nữa, đầu tàu của cả nước đi nhanh hơn nữa”, ông Phạm Văn Hòa nói.

Tuy nhiên, ông Hòa mong muốn công tác thực thi phải được TP.HCM đặc biệt coi trọng bởi số cơ chế được cho phép là rất nhiều, tránh việc có rồi không dùng đến, lỡ mất cơ hội.

TS Trần Du Lịch nhận định tăng trưởng kinh tế của TP.HCM giảm sâu trong quý I đã bộc lộ những nhược điểm, tồn tại của cơ cấu kinh tế và thể chế quản lý của Thành phố. Đặc biệt, vấn đề thể chế quản lý đang có nhiều bất cập đối với một Thành phố có quy mô lớn.

“Nghị quyết mới giải quyết bài toán đã đề cập suốt 20 năm nay, đó là TP.HCM có ‘chiếc áo quá chật’, không thể lớn được. Với một siêu đô thị hơn 10 triệu dân thì những cơ chế quản lý phải được ‘may rộng ra’ thì Thành phố mới có thể phát triển được”, ông nói.

Bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng hiện nay TP.HCM hơi bị "hụt hơi", đóng góp cho tăng trưởng GDP, đóng góp ngân sách về giá trị tuyệt đối vẫn cao nhưng giá trị tỷ trọng đang giảm dần. Trong khi đó, từ trước đến nay và cả sau này, TP.HCM là nơi động lực tăng trưởng cho cả nước. Ông đánh giá phải có các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để TP.HCM phát triển.

“Trong các cơ chế, chính sách nêu trong nghị quyết mới lần này, chúng tôi cũng đã tham gia xây dựng, góp ý rất nhiều. Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM lần này tạo ra nhiều động lực, nguồn lực mới cho TP.HCM phát triển”, ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng kỳ vọng trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ, TP.HCM tận dụng cơ hội, mở rộng không gian khai thác để phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách trong nghị quyết. Ví dụ, về mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cần mở rộng thêm hơn nữa, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có cơ chế, chính sách cho mở rộng thêm diện tích thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cơ chế mới được kỳ vọng giúp TP.HCM có thêm nhiều nguồn lực để phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh.
Cơ chế mới được kỳ vọng giúp TP.HCM có thêm nhiều nguồn lực để phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vì vậy, ngoài những điểm kết nối các công trình giao thông theo đường sắt trên cao, đường đường vành đai 3, TP.HCM cần tính toán có thể thêm những hạng mục công trình khác nữa để mở rộng, khai thác không gian này. Qua đó, giải quyết bài toán hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

“TP.HCM tận dụng nguồn lực đấy để tạo động lực phát triển cho cho đất nước, cho TP.HCM. Bởi vì chúng tôi đánh giá rất cao dự địa chênh lệch địa tô của TP.HCM. Nếu TP.HCM mở rộng thêm phạm vi thực hiện các cơ chế, chính sách sẽ có thêm nhiều nguồn lực. Trong đó, TP.HCM có thể thực hiện đấu giá, đấu thầu thực hiện các dự án phát triển đô thị, phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngân sách trong thời gian tới”, ông nói.

Mời nhà đầu tư đến thông tin về Nghị quyết

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đánh giá cao việc mạnh dạn phân cấp trong Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Ông cho rằng TP.HCM có thể quyết định rất nhiều việc nhanh chóng hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, nguồn lực.

“Vấn đề bây giờ là khi được trao cho cơ chế đặc thù rồi thì việc tổ chức thực hiện sẽ đặt ra nhiều thách thức cần lường trước, có giải pháp. Hải Phòng cũng vậy, đề xuất 5 cơ chế, được trao 4, nhưng quá trình triển khai cũng không đơn giản. Bây giờ là lúc TP.HCM phải căng sức giải quyết nhiều vấn đề cũ, chuẩn bị sẵn sàng cho việc vận hành thông suốt, hiệu quả các chính sách mới, nhất là phải có sự chuẩn bị, chuyển động đồng bộ của các ngành, các cấp”, ông nói.

TP.HCM sẽ mời doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thông tin về nội dung Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Ảnh: LQ.
TP.HCM sẽ mời doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thông tin về nội dung Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Ảnh: LQ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi thì cũng có những lo lắng về trách nhiệm trong việc chuẩn bị triển khai Nghị quyết được thành công. Ông khẳng định TP.HCM sẽ nỗ lực triển khai tốt Nghị quyết. "Cả nước đã vì TP.HCM, TP.HCM sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó".

Ông đánh giá việc Quốc hội thông qua cho phép TP.HCM thí điểm các cơ chế, chính sách là để tháo gỡ các khó khăn, chủ động hơn trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là cơ hội để TP.HCM huy động nguồn lực để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tạo sự phát triển đột phá, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm ngày 7/7 tới đây, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn Thành phố để quán triệt Nghị quyết, triển khai Chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND Thành phố.

UBND cũng đã phân công các sở, ngành chuẩn bị các nội dung rất cụ thể để trình HĐND trong kỳ họp tháng 7, tháng 9 và tháng 12 tới; tiếp đó là thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác để theo tiến độ đôn đốc và bắt tay làm ngay.

"Rút kinh nghiệm việc triển nghị Nghị quyết 54 trước đó, TP.HCM đã mất quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị nên kết quả không đạt như mong đợi. Lần này, công tác chuẩn bị đã tốt hơn", ông Mãi khẳng định.

Để triển khai thành công Nghị quyết, theo ông Mãi, TP.HCM sẽ mời doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thông tin về nội dung Nghị quyết này.

Theo Zing News