Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu không tỉnh táo thì vợ (hoặc chồng) đi đánh ghen sẽ phải trả giá về tiền bạc, thậm chí là tù tội.

Cần xác định xe ô tô này là của ai sở hữu

Ngày 21/6, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đập vỡ phần kính trước của xe ô tô nghi do đánh ghen.

Theo nội dung đoạn clip, người phụ nữ cầm mũ bảo hiểm liên tục đập vào phần kính trước của xe ô tô nhãn hiệu Mazda. Khi kính vỡ, người phụ nữ đã kéo mảng kính ra để chui vào.

Thời điểm này, mọi người xung quanh hô hào cổ vũ và ủng hộ việc đánh ghen của người phụ nữ.

 

Đập vỡ kính ô tô để đánh ghen: Dễ đối diện nguy cơ

Hình ảnh người phụ nữ dùng mũ bảo hiểm đập vào kính xe ô tô nghi đánh ghen ở TP Hà Nội

"Chủ xe ô tô nói là đi công tác nhưng sự thật là đi với bồ. Khi đi trên đường thì bị vợ phát hiện nên xảy ra vụ việc", nội dung chia sẻ cho hay.

Theo tìm hiểu, sự việc trên xảy ra vào chiều 20/6 tại đường Trung Thư, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Liên quan đến sự việc trên, ngày 21/6, đại diện lãnh đạo Công an phường Trung Văn cho biết, đơn vị đã nhận được tin báo của người dân về vụ xô xát ở trên đường Trung Thư. Tuy nhiên, khi đơn vị cử cán bộ ra thì những người này đã giải tán.

Luận bàn về sự việc này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đập phá kính chắn gió xe ô tô, gây náo loạn trên phố thì người phụ nữ được cho là vợ này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Mức phạt có thể đến 3 triệu đồng.

"Cụ thể, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định hành vi đánh nhau có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm a, khoản 2, điều 5); hành vi gây rối làm mất trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (khoản 3, điều 5)", luật sư Lực nói.

Để có căn cứ xử lý hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ ô tô, luật sư Lực cho rằng, ngoài xác định giá trị tài sản hư hỏng, còn có hai vấn đề quan trọng khác cần làm rõ. Đó là giữa chủ xe và người phụ nữ trên có thực sự có mối quan hệ vợ chồng hay không và chiếc xe được mua ở thời điểm nào.

"Nếu có cơ sở cho thấy giữa hai người có quan hệ hôn nhân và chiếc xe được mua trong giai đoạn này, đây sẽ được coi là tài sản chung của hai vợ chồng. Khi đó, do người phụ nữ có quyền sở hữu đối với chiếc xe, khó có cơ sở để xử lý người này về tội "Hủy hoại tài sản" theo Điều 178, Bộ luật Hình sự. Ngược lại, nếu hai người không có mối quan hệ hôn nhân hoặc có quan hệ hôn nhân nhưng chiếc xe là tài sản riêng của người chồng, thì có cơ sở để xử lý người vợ theo Điều 178", ông Lực nói.

Cụ thể, nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt tiền 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp trị giá tài sản từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, mức phạt áp dụng sẽ là 2 - 7 năm tù.

Đập vỡ kính ô tô để đánh ghen: Dễ đối diện nguy cơ

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

"Con giáp thứ 13" có thể bị xử lý thế nào?

Nói về trách nhiệm của người phụ nữ ở trong ô tô mà dư luận cho rằng là "con giáp thứ 13", luật sư Quách Thành Lực cho biết, người nào chen vào cuộc sống hôn nhân gia đình của người khác là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng.

Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân gia đình được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, chỉ có một số quan hệ đặc biệt được điều chỉnh bởi pháp luật hành chính, hình sự.

Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

Trong đó, người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, luật sư Lực lưu ý, nếu chuyện ngoại tình là lén lút, không công khai, không chung sống như vợ chồng thì pháp luật không can thiệp.

Luật sư Quách Thành Lực cũng cho rằng, việc đánh ghen chỉ giúp thỏa cơn giận dữ tức thời, nhưng người phụ nữ lại mất gần như tất cả. Người phụ nữ cao tay (hay ông chồng thông thái) sẽ không đánh ghen dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bình tĩnh, sáng suốt chính là điểm nổi bật của họ khi đứng trước tình huống trớ trêu này.

"Hành động đánh ghen không phải là cách giữ chồng (hoặc vợ). Bản thân người đi đánh ghen cũng xác định đã đánh ghen thì coi như không còn đường lui nào cho mối quan hệ này. Giữ được chồng (vợ) hay không thì không biết nhưng đã đánh ghen, tình nghĩa vợ chồng dễ chấm hết. Hơn nữa, không ít vụ người vợ (hoặc chồng) phải ngồi tù vụ hành vi đánh ghen", ông Lực nhìn nhận.

Phùng Đô

nguồn: Báo Giao Thông