Mùa mưa là thời điểm dịch sốt xuất huyết nguy hiểm, thường có nguy cơ bùng phát. Trên những trang thông tin y tế khắp cả nước, đã và đang cảnh báo về tình hình gia tăng những ca sốt xuất huyết từ khoảng đầu tháng 5 cho đến nay. Vậy làm sao để ngăn ngừa và phòng chống bệnh sốt xuất huyết?
Bs Huỳnh Công Quang - PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết: "Lý do làm cho dịch sốt xuất huyết thường gia tăng mạnh trong mùa mưa là vào mùa này, muỗi có điều kiện đẻ trứng và thời tiết lúc này thuận lợi để trứng muỗi phát triển thành bọ gậy/ loăng quăng. Do vậy, để phòng ngừa bệnh Sốt xuất huyết thì hiện vẫn chưa có biện pháp gì mới, chủ yếu là phun thuốc diệt muỗi khi phát hiện ổ dịch và tuyên truyền, vận động người dân diệt bọ gậy/ loăng quăng, diệt muỗi”.
Chúng ta đã quá quen thuộc với những khuyến cáo, và biện pháp phòng bệnh mà các chuyên gia y tế đã đưa ra. Nhưng để áp dụng đúng cách thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:
1/ Tránh tình trạng đọng nước
Không để những vật dụng có thể đọng hoặc chứa nước vương vãi ngoài trời, lật úp lại nếu không sử dụng đến để tránh tình trạng đọng nước mưa, làm ổ cho muỗi.
Với những vật dụng chứa nước trong gia đình thì cần phải có nắp đậy kín để muỗi không thể đẻ trứng.
Thu dọn sạch sẽ những vật phế thải xung quanh nhà, vừa giữ cho môi trường sạch sẽ, vừa hạn chế tối đa việc đọng nước mưa.
Bình hoa trong nhà cần thay mới thường xuyên.
Nếu bắt buộc cần kê chén nước cho chân bàn ghế, tủ… cần bỏ vào một ít muối hoặc dầu ăn
2/ Dùng thuốc xịt muỗi
Xịt thuốc diệt muỗi mỗi tuần 2 đến 3 lần, để hạn chế và tiêu diệt muỗi vằn, nguyên nhân chính truyền bệnh sốt xuất huyết. Việc này cần được tiến hành ngay sau khi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, và khi xịt cần tập trung vào những goc khuất, tối, ngóc ngách mà muỗi thường hay tập trung. Có thể kết hợp cùng việc dùng nhang muỗi để tăng hiệu quả.
Lưu ý: thuốc xịt và nhang muỗi đều có thể ít nhiều ảnh đến sức khoẻ, do vậy sau khi sử dụng cần tránh xa khu vực đó khoảng 20-30 phút để tránh tình trạng hít phải quá nhiều những hoạt chất có hại.
3/ Mặc quần áo sáng màu.
Muỗi vằn thường hoạt động mạnh vào thời điểm chiều muộn hoặc sáng sớm, do vậy khi đi ra ngoài vào thời điểm này, đặc biệt là những vùng rậm rạp ẩm ướt, thì bạn nên chọn những loại quần áo sáng màu như: vàng, trắng, đỏ…. Để tránh thu hút sự chú ý của loài muỗi.
4/ Mắc màn khi ngủ
Hiện nay thói quen mắc màn đã bị nhiều người bỏ quên, vì nghĩ rằng ngủ trong phòng máy lạnh sẽ không bị muỗi cắn. Đây là suy nghĩ không đúng, vì muỗi vẫn có thể hoạt động trong môi trường máy lạnh, dù có phần hạn chế. Do vậy, bất cứ lúc nào khi ngủ bạn cũng nên mắc màn để tự bảo vệ bản thân. Lưu ý, chọn những loại màn lành lặn, ko bị rách để muỗi không thể chui vào.
Bệnh sốt xuất huyết là gì? sao chúng ta lại phải phòng bệnh đến vậy?
Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch trong phạm vi khu vực phát hiện bệnh. Nguyên nhân truyền bệnh chủ yếu là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua vết đốt. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, xuất hiện trên 100 nước với 50-100 triệu ca mắc mỗi năm trên toàn cầu.
Sốt xuất huyết là loại bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Theo thông tin dữ liệu từ WHO (tổ chức y tế thế giới) cho thấy mỗi năm toàn thế giới có khoảng 390 triệu ca nhiễm virus Dengue, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng. Một nghiên cứu khác về sự phổ biến của bệnh sốt xuất huyết ước tính rằng 3,9 tỷ người có nguy cơ nhiễm virus sốt xuất huyết, trong đó 70% gánh nặng thực sự nằm ở các nước châu Á.
Số ca sốt xuất huyết được báo cáo cho WHO đã tăng hơn 8 lần trong hai thập kỷ qua, từ 505.430 ca trong năm năm 2000, lên hơn 2,4 triệu ca năm 2010 và 5,2 triệu ca năm 2019. Số ca tử vong được báo cáo trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2015 tăng từ 960 lên 4032 trường hợp. Tổ chức Y tế Thế giới đã ra tuyên bố “Thế kỷ 21 là thế kỷ phòng chống bệnh sốt xuất huyết”.
Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Triệu chứng của sốt xuất huyết thường không có dấu hiệu rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường, dễ nhầm lẫn, có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng trong thời gian ngắn. Tuỳ theo từng mức độ khác nhau, biểu hiện nhận biết của triệu chứng bệnh cũng khác nhau.
Dấu hiệu nhẹ
Đây là mức độ có các triệu chứng điển hình, không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt kéo dài trong vòng 4 đến 7 ngày, tính từ thời điểm nhiễm bệnh do bị muỗi đốt, thường vào thời điểm buổi chiều. Ngoài ra còn có các dấu hiệu như:
- Phát ban
- Đau nhức đầu
- Đau cơ, khớp
- Buồn nôn, ói mửa
- Đau phía sau mắt
- Sốt cao, có thể lên đến 40,5 độ C
Các ban của sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3,4 ngày sau khi bắt đầu sốt, và giảm dần sau 1,2 ngày.
Biểu hiện nặng
Bao gồm tất cả những dấu hiệu của triệu chứng nhẹ kèm theo những tổn thương ở mạch máu, và mạch bạch huyết, chảy máu dưới da gây vết bầm tím, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Ở cấp độ bệnh này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Hội chứng sốc do sốt xuất huyết.
Đây là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Tình trạng sốc sốt xuất huyết thường xảy ra ở trẻ em, người lớn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Nếu không được điều trị kịp thời đúng cách, người bệnh có thể sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như:
- Máu bị đông đặc: việc máu bị đông đặc sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, sốt cao, đau nhức toàn thân, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, chóng mặt buồn nôn.
- Hạ tiểu cầu: Biến chứng này không gây cho người bệnh biểu hiện sốt cao hay mệt mỏi nhiều nên rất khó để nhận biết. Cho đến khi bệnh chuyển qua giai đoạn 2, xuất huyết trầm trọng thì mới được phát hiện.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu mà chỉ được điều trị thông qua các triệu chứng của bệnh. Hầu hết bệnh nhân sẽ tự khỏi trong vòng khoảng 2 tuần, những trường hợp bị nhẹ có thể tự khỏi sau 1 tuần. Việc điều trị cần tuân theo phác đồ điều trị chuẩn của bác sĩ, người bệnh sẽ được điều trị tại nhà hoặc nội trú tuỳ vào tình trạng bệnh, sau khi xác định dương tính với sốt xuất huyết. Chú ý cần uống nhiều nước, đặc biệt là những loại nước tăng cường chất C như cam, chanh… để giúp tăng sức đề kháng, làm mát cơ thể, hạn chế tình trạng mất nước do sốt gây nên.