Ngành dệt may Việt Nam trải qua 4 tháng đầu năm trầm lắng với kim ngạch giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.
Sáng 20-6, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức họp cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch trong năm 2023.
Thông tin về tình hình, ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex - nhìn nhận khó khăn là có thật và đã được ngành "lường trước" từ năm 2022 từ những tín hiệu thị trường.
Đơn cử với ngành sợi sau suốt 18 tháng tăng trưởng tốt, đến tháng 6-2022 đã có những cảnh báo về xu hướng giảm. Lý do là nhu cầu thấp, giá giảm do giá bông nguyên liệu biến động và giảm rất sâu so với cùng kỳ.
Dệt may nhận cả đơn nhỏ lẻ để giữ chân lao động
Với thị trường Trung Quốc, ngành sợi rất kỳ vọng khi nước này mở cửa. Tuy nhiên, thực tế lại là áp lực rất lớn, đặc biệt là vấn đề sản xuất bông tại Tân Cương, nên sản phẩm của Việt Nam gặp khó khi giá cả xuất sang Trung Quốc không cạnh tranh và nước này ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa. Dẫn tới ngành sợi bị lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.
Với ngành may, ông Hiếu nói doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. Dẫn chứng, ông nói chưa bao giờ mà với những doanh nghiệp có quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 - 1.000 áo jacket, song vẫn phải làm.
Hoặc có nhiều đơn hàng, đơn giá "giảm khủng khiếp", nhiều mã hàng giảm tới 50%. Trước kia áo sơ mi 1,7-1,8 USD thì nay chỉ 70 - 80 cent. Chưa kể những rủi ro như khách chậm trễ giao hàng, tồn kho tăng...
"Tình trạng của dệt may hiện nay là đơn hàng nhỏ lẻ, chi phí gia công thấp, phải nhận các mặt hàng không đúng sở trường. Khi khó thì dệt thoi làm dệt kim, đơn vị chuyên làm quần thì phải làm áo, nên phải thêm máy móc thiết bị, đào tạo công nhân để chống dừng chuyền, đảm bảo việc làm" - ông Hiếu nói.
Thực tế này dẫn tới ngành dệt may Việt Nam trải qua 4 tháng đầu năm trầm lắng với kim ngạch giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.
Năng lực cạnh tranh suy giảm, đơn hàng giảm sâu
Năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố tỉ giá, lãi suất, tiền lương, xu thế chuyển dịch đơn hàng. Nhiều nước hỗ trợ thị trường phục hồi như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, hỗ trợ vốn, vận tải... trong khi Việt Nam có nhiều hạn chế hơn.
Trong bối cảnh đó, ông Hiếu cho biết Vinatex đã chủ động ứng phó, trao đổi với các đơn vị về cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu đơn hàng để chủ động các hoạt động. Vì thế, dù sản xuất khó khăn, thiếu đơn hàng, nhưng toàn bộ lực lượng lao động là 63.000 nhân công chưa phải nghỉ việc và vẫn duy trì thu nhập 9,2 triệu đồng/người/tháng.
Tính chung, doanh thu trong quý 1-2023 toàn tập đoàn đạt 4.462 tỉ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm; quý 2 dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỉ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận hai quý tương ứng là 118 tỉ đồng và 58 tỉ đồng, giảm so với trước nhưng vẫn khá khả quan.
Dự báo thị trường thời gian tới còn nhiều khó khăn, Vinatex cho biết sẽ tập trung vào đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, chủ động kế hoạch sản xuất, theo dõi chặt tình hình tài chính, ổn định dòng tiền, ưu tiên giữ lực lượng lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi...
Theo báo Tuổi Trẻ