Tình trạng kinh tế trì trệ ở Trung Quốc và toàn cầu là vấn đề gây ảnh hưởng lớn nhất cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc, hơn hẳn quan ngại về căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung.
Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc (EUCCC) công bố kết quả khảo sát các công ty của Liên minh châu Âu (EU) đang làm việc, kinh doanh ở nước này. Theo đó, số công ty EU vẫn tiếp tục xem Trung Quốc nằm trong số tốp 3 quốc gia nên rót vốn đầu tư trong tương lai đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi báo cáo thường niên được thực hiện từ năm 2010.
Trong bối cảnh lãi suất và lạm phát gia tăng gây ảnh hưởng nhu cầu người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ, các công ty ở Trung Quốc ngược lại phải đối mặt với giá cả giảm mạnh.
Số công ty EU báo cáo tình trạng thu nhập từ Trung Quốc giảm trong năm 2022 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với lợi nhuận toàn cầu của những công ty này đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp, theo Reuters hôm 21.6 dẫn lại báo cáo.
"Sự suy giảm trong tâm lý kinh doanh đã diễn ra suốt 3 năm qua và không thể đảo ngược chỉ sau một đêm", EUCCC nhận xét.
Phát hiện của EUCCC, dựa trên quan điểm của các thành viên từ tháng 2 đến đầu tháng 3, cũng tiết lộ một số lượng kỷ lục các công ty bị mất cơ hội kinh doanh trong năm ngoái do không tiếp cận được thị trường và vấp phải những rào cản về chính sách.
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng sự tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia đã đẩy nhiều công ty nước ngoài vào tình thế bất định, không thể nắm rõ hướng đi trong một thị trường mà các quy định thường diễn đạt một cách mơ hồ.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ khi nước này gỡ bỏ chính sách nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa Covid-19 từ cuối năm ngoái. Thâm hụt thương mại giữa EU và Trung Quốc cũng tiếp tục mở rộng trong năm 2022, lên đến 396 tỉ euro.
Nguồn: Thanh niên