Mỗi năm, số lượng học sinh khối trường công lập tăng 6%, nhưng từ năm 2015 đến nay số giáo viên không tăng. Qua rà soát, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện thiếu khoảng 8.939 biên chế.

Nói rõ hơn về vấn đề thiếu giáo viên, tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, số lượng học sinh của thành phố mỗi năm đều tăng; trong đó số học sinh các trường mầm non, phổ thông công lập tăng gần 6%. Vì thế, số lượng học sinh/lớp ở các trường công lập của Hà Nội đều lớn hơn quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Thậm chí, có những trường tại một số quận, số lượng học sinh trung bình khối tiểu học là 56 học sinh/lớp, khối THCS là 53 học sinh/lớp. “Khi số lượng học sinh, số lượng lớp, số trường tăng, kéo theo số lượng người làm việc tại khối giáo dục cũng phải tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu “có học sinh, có lớp thì phải có giáo viên””, ông Cảnh nói.

Hà Nội thiếu gần 9.000 giáo viên ảnh 1

Giáo viên mầm non hướng dẫn các em học sinh học tập

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên. Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập. Theo báo cáo của các đơn vị, số lượng giáo viên còn thiếu 8.939 biên chế. Trong đó, số giáo viên còn thiếu bậc mầm non là 1.325, bậc Tiểu học: 3.634, bậc THCS: 2.684, bậc THPT: 1.296 giáo viên.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y tế, giáo dục, ngày 6/7, tại kỳ họp, HĐND TP. Hà Nội đã tán thành, thông qua Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023 theo Nghị định số 111 của Chính phủ. Theo đó, HĐND thành phố đã đồng ý bổ sung cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2023 của thành phố là 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng. Chỉ tiêu lao động hợp đồng được giao thực hiện từ tháng 8/2023 đến hết tháng 12/2023. Ngoài ra, HĐND TP. Hà Nội giao UBND thành phố có giải pháp nâng cao mức tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục công lập, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, y tế. Theo đó, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

Sẽ sớm phân bổ chỉ tiêu cho các quận, huyện…

Ông Trần Đình Cảnh cho biết, sau khi được HĐND thành phố phê duyệt, UBND TP sẽ phân bổ 3.112 chỉ tiêu lao động hợp đồng trên cho các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT. HĐND TP. yêu cầu các đơn vị ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm; quản lý, sử dụng hiệu quả số lao động hợp đồng được giao.

Được biết, qua rà soát, quận Long Biên thiếu 203 giáo viên cấp Tiểu học; huyện Phú Xuyên thiếu 97 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng, trong đó 62 chỉ tiêu cho khối THCS và 35 chỉ tiêu cho khối Tiểu học. Tương tự, quận Hà Đông cũng thiếu 201 giáo viên hợp đồng cấp Tiểu học. Đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, qua rà soát trên địa bàn quận thiếu 201 giáo viên hợp đồng lao động cho cấp học Tiểu học. Sau khi được HĐND thành phố thông qua, UBND quận sẽ gửi thông báo, phân bổ đến các trường để ký Hợp đồng lao động cho các địa phương đúng quy định.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y tế, giáo dục, ngày 6/7, tại kỳ họp, HĐND TP. Hà Nội đã tán thành, thông qua Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023 theo Nghị định số 111 của Chính phủ.

Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-thieu-gan-9000-giao-vien-post1549305.tpo