Nấm là món ăn có hương vị thơm ngon, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Hiện nay, việc trồng nấm tại nhà khá phổ biến vì ngoài việc tự bảo vệ mình bằng nguồn dinh dưỡng sạch, thì đây còn là “bộ môn giải trí” khá thú vị.

Trong số các loại nấm, thì nấm bào ngư là loại nhận được sự ưu ái và trồng nhiều nhất, do cách trồng nấm bào ngư tại nhà khá đơn giản và dễ thực hiện. Loại nấm này dễ sinh trưởng, không mất nhiều công sức để chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không chiếm nhiều diện tích… phù hợp với hầu hết mọi gia đình.

Nấm bào ngư là loại nấm gì?

Nấm bào ngư còn có tên gọi khác như: nấm trắng, nấm sò, nấm dai… thuộc họ Pleurotaceae. Nấm cho hình dạng như chiếc phễu, mũ nấm xoè, chóp lõm nhẹ, dưới mũ có lớp tơ mỏng xếp lớp với nhau. Có hai loại nấm bào ngư là: bào ngư xám, và bào ngư trắng, được phân biệt dựa vào màu sắc trên mũ nấm.

Ngoài hương vị thơm ngon, dễ chế biến kết hợp cùng nhiều món ăn khác, thì nó còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là đạm hữu cơ. Nấm bào ngư còn có khả năng giải độc, bảo vệ các tế bào gan, hỗ trợ kháng ung thư, kháng virus và giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.

Nấm bào ngư trắng và nấm bào ngư xám

Trồng nấm bào ngư đúng cách.

Hiện nay, việc trồng nấm bào ngư đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều, vì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là “phôi nấm” đã được ủ sẵn và bày bán đa dạng. Bạn có thể dễ dàng tìm cho mình những địa chỉ uy tín, để mua được phôi nấm tốt. Như vậy, bước đầu xem như đã thành công, tiếp theo chúng ta cần phải làm gì?

1/ Chọn vị trí phù hợp.

Kiều kiện sinh trưởng, là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mẻ nấm. Cần chọn đặt phôi nấm ở vị trí thoáng mát và có ánh sáng tự nhiên. Tránh những nơi có ánh nắng trực tiếp, gió lùa hay mưa có thể tạt vào sẽ làm hư hoặc héo phôi nấm.

Tóm lại, nên đặt phôi ở những khu vực ít sử dụng đến trong nhà, chỉ cần có ánh sáng tự nhiên. Tránh để phôi ở ngoài trời, ban công và những nơi thường sinh hoạt trong gia đình, vì bào tử nấm trong quá trình sinh trưởng khi phát tán trong không khí sẽ không tốt cho sức khoẻ của hệ hô hấp.

Nấm được đặt đúng vị trí sẽ phát triển tốt và cho năng suất cao​​​​​

Lưu ý:

  • Khi mua về phải để phôi “nghỉ” từ 5 đến 7 ngày, trong môi trường khô ráo, thoáng mát và không cần tưới nước. Mục đích của việc này là giúp bịch phôi nấm được “hồi sức” sau quá trình vận chuyển.
  • Sau khi mở nắp bắt đầu trồng, cần đặt bịch phôi hơi chúi nhẹ xuống, để giúp nước có thể dễ dàng thoát ra ngoài, tránh việc đọng nước ở miệng sẽ gây hư hoặc mốc phôi.

2/ Quá trình tưới và chăm sóc phôi nấm.

Sau thời gian chờ “nghỉ”, bạn có thể mở nắp và bắt đầu quá trình tưới phôi để nấm phát triển. Đây là một công đoạn khá thú vị, vì bạn có thể quan sát những phôi nấm lớn lên từng ngày qua bàn tay chăm sóc của mình. Cách tưới phôi cũng rất đơn giản, tuy nhiên chúng ta chỉ được tưới bên ngoài hoặc xung quanh bịch phôi, cụ thể như sau:

  • Khi chưa mở nắp phôi: xịt mạnh xung quanh trong vài phút để tạo độ ẩm cần thiết cho phôi nấm.
  • Sau khi mở nắp: chỉ nên dùng bình xịt phun sương tưới nấm theo hướng từ trên xuống. Mỗi ngày tưới từ 4-5 lần nếu trời nắng nóng, khi trời mát hoặc có mưa thì chỉ cần tưới 1-2 lần. Lưu ý, không tưới phôi nấm vào ban đêm, và không xịt nước vào cổ bịch phôi nấm để tránh đọng nước sẽ gây mốc phôi.
Phôi nấm được tưới đúng cách sẽ phát triển tốt
Những cách khác để giúp giữ ẩm cho phôi, ngoài việc tưới mỗi ngày :

Cách 1 dùng ăn ướt: dùng khăn lông loại lớn, làm ướt khăn và vắt nhẹ để khăn không nhiễu nước, sau đó phủ hoặc quấn khăn lên bịch phôi.

Cách 2 dùng chậu nước kết hợp cùng với khăn ướt: đặt 1 vỉ sắt vào trong chậu nước sao cho lượng nước chỉ mấp mé gần sát vỉ. Đặt phôi nấm lên trên vỉ và phủ thêm khăn ướt. Đây là phương pháp thích hợp dành cho những người bận rộn không có nhiều thời gian để tưới và chăm sóc phôi nấm.

3/ thu hoạch nấm đúng cách

Phôi nấm bào ngư phát triển khá nhanh, chỉ sau khoảng 2,3 ngày từ lúc bắt đầu tưới là đã có thể thu hoạch nấm để sử dụng. Tính từ lúc phôi nấm mới nhú ra, chỉ sau vài giờ đã có thể phát triển thành cây nấm nhỏ có thân và mũ, sau khoảng 12 tiếng nấm sẽ bắt đầu phát triển rất nhanh.

Nấm bào ngư khi thu hoạch cần lấy nguyên chùm và sạch gốc

Thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch là khi mũ nấm đạt đường kính khoảng 4-5cm. Lúc này nấm lớn vừa đủ, đạt độ thơm ngon và chất dinh dưỡng tốt nhất.

Do nấm bào ngư sẽ mọc thành từng chùm (rất ít khi chúng mọc riêng lẻ), nên khi hái cần thu hoạch cả chùm nấm. Những chùm chưa đạt kích thước mong muốn, bạn có thể tiếp tục tưới để chúng phát triển.

Khi thu hoạch nấm tốt nhất nên hái bằng tay (đã rửa sạch), lắc qua lắc lại một cách nhẹ nhàng chùm nấm để có thể lấy hết phần gốc ra khỏi bịch phôi.

Lưu ý: để có thể tiếp tục sử dụng bịch phôi nấm, cần phải làm sạch phần gốc nấm ở cổ phôi trước khi tưới nước. Có thể dùng dao, muỗng (đã khử trùng bằng cồn) để nạy sạch phần gốc nấm còn dính lại.

4/ Bảo quản nấm bào ngư sau khi thu hoạch

Bảo quản đúng cách để giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng

Nấm sau khi thu hoạch từ 30 – 60 phút cần phải được cho ngay vào ngăn mát tủ lạnh để được bảo quản tốt nhất từ 7-10 ngày. Trước khi bỏ vào tủ, cần cắt sạch gốc và bỏ vào túi buộc kín hơi. Nấm cần sử dụng ngay sau khi đã nhúng nước rửa, để lâu sẽ bị nhũn và vị nhạt