Hạ viện Mỹ (435 ghế) vừa thông qua dự luật về trần nợ công với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trần nợ công - Ảnh 1.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời báo chí sau khi Hạ viện thông qua dự luật về trần nợ công ngày 31-5 - Ảnh: AFP

Với tên gọi chính thức là Đạo luật trách nhiệm tài khóa, dự luật này được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhằm giúp Mỹ thoát cảnh vỡ nợ.

Nếu được đưa thành luật, dự luật này sẽ đình chỉ trần nợ trong 2 năm, tức gỡ bỏ giới hạn số tiền chính phủ Mỹ có thể vay để chi trả các nghĩa vụ của mình. Trần nợ của Mỹ hiện ở mức 31.000 tỉ USD

Tuy Đảng Cộng hòa nắm đa số tại Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã không thể giúp dự luật này được thông qua chỉ với số phiếu của các đảng viên Cộng hòa. 

Một số dân biểu của đảng này vẫn một mực phản đối thỏa thuận giữa ông và Tổng thống Biden thuộc Đảng Dân chủ. Điều này khiến số phiếu chống của thành viên Đảng Cộng hòa lên đến 71 phiếu, bỏ xa con số 46 phiếu chống của phe Dân chủ.

Ở chiều ngược lại, tuy một bộ phận dân biểu Dân chủ cũng phản đối dự luật về trần nợ, tình hình chia rẽ trong đảng này vẫn phần nào nhẹ nhàng hơn. Nhờ đó, số phiếu thuận của Đảng Dân chủ lên đến 165 phiếu, so với chỉ 149 phiếu của Đảng Cộng hòa, bất chấp việc đây là dự luật do Đảng Cộng hòa soạn ra.

Tổng thống Joe Biden phát biểu sau khi dự luật được thông qua: "Hôm nay 31-5, Hạ viện đã tiến một bước quan trọng để tránh cảnh vỡ nợ lần đầu trong lịch sử, bảo vệ sự phục hồi kinh tế đất nước ta đã rất cố gắng để đạt". 

Ông Biden cũng khẳng định: "Con đường tiến lên duy nhất là sự thỏa hiệp giữa hai đảng".

Hạ viện biểu quyết dự luật này trong bối cảnh Mỹ chỉ cách ngày 5-6, thời điểm Bộ Tài chính dự đoán Mỹ sẽ vỡ nợ - chỉ vài ngày. Nếu không có sự giúp sức của Đảng Dân chủ, dự luật này sẽ không được thông qua và tình hình tài chính Mỹ sẽ lại rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".

Theo Tuổi Trẻ