Kem là món ăn ngọt, béo, thơm, mát lạnh khiến bất cứ ai cũng phải mê mẫn trước hương vị của nó. Nhưng đã có ai từng thắc mắc về nguồn gốc của món tráng miệng hấp dẫn này hay chưa? Chúng được ra đời từ khi nào và bắt nguồn từ đâu?
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc, nơi ra đời của món ăn này. Tuy nhiên, có nhiều tương truyền và thông qua những ghi chép được phát hiện và lưu trữ cho đến nay, thì kem có nguồn gốc là một món ăn được làm từ gạo trộn với sữa sau đó được làm lạnh bằng cách đóng gói và vùi trong tuyết, từ khoảng những năm 200 trước công nguyên tại Trung Quốc. Lúc bấy giờ là thời điểm trị vì của vị vua Thiên Ất, ông đã chiêu mộ hơn 90 “người đàn ông băng” để trộn một hỗn hợp gồm bột, long não và sữa trâu với nước đá. Máy làm kem đầu tiên được ghi nhận là một chậu chứa đầy hỗn hợp siro, sau đó đóng gói chậu lại rồi đem vùi vào trong tuyết và muối, nó cũng được tạo ra bỡi người Trung Quốc.
Cũng theo một truyền thuyết về nguồn gốc của kem mang tính thần thoại, thì hoàng đế La Mã Nero sai quân lính đi thu nhặt băng đá từ dãy núi Apennine, trộn cùng mật ong và rượu vang để cho ra một món tráng miệng lạ mắt gọi là: Tuyết Ngọt (hay Sorbet). Thời bấy giờ món ăn này chỉ phù hợp với tầng lớp quý tộc, vua chúa vì không phải ai cũng có điều kiện để thu thập băng tuyết từ những đỉnh núi cao. Về sau Sorbet được xem là tiền thân của món kem ngày nay.
Các thương nhân người Ả rập được xem là có công lao trong việc đem món Sorbet phổ biến rộng rãi khắp châu Âu. Nhưng việc truyền bá món ăn này lại được biết nhiều nhất thông qua Marco Polo. Mặc dù không nhắc đến Sorbet trong bất cứ tác phẩm nào của mình, nhưng Polo lại thường ghi nhận về những đặc tính riêng của món Sorbet và đưa đến Ý, sau khi ông biết đến nó trong chuyến du lịch tại Trung Quốc.
Vào năm 1533, hương vị của Sorbet được mang đến Pháp, bởi nữ công tước người Ý Caterina de’ Medici một người vô cùng yêu thích món ăn này. Bà đã mang một số đầu bếp người Ý sang pháp, để làm Sorbet phục vụ cho đám cưới của mình với công tước xứ Orleans.
Cho đến khoảng những năm 1600, tại nước Anh Vua Charles I tỏ ra cực kỳ yêu thích món Kem và ông cho rằng món ăn này chỉ nên được phục vụ trong hoàng gia. Do vậy, ông đã cung cấp cho những đầu bếp riêng của mình một khoản trợ cấp trọn đời, để đổi lấy việc họ phải giữ công thức làm kem như một tài liệu tuyệt mật, chỉ được sử dụng riêng trong giới hoàng gia. Tuy nhiên, không có bằng chứng cụ thể nào cho những tương truyền nêu trên tại cả hai nước Anh và Pháp.
Ở cuối thế kỷ 17, một trong những nơi đầu tiên phục vụ món kem rộng rãi cho người dân châu Âu là quán cà phê Procope tại Pháp. Nguyên liệu để làm kem là từ : trứng, bơ, kem, sữa.. với giá thành không rẻ, nên thời điểm này kem cũng chưa thật sự phổ biến, mà vẫn chỉ phục vụ cho tầng lớp thượng lưu.
Đến năm 1777 tại Mỹ, quảng cáo đầu tiên về kem đã xuất hiện trên tờ New York Gazette. Ông Phillip Lenzi một người bán kẹo trở về từ Luân Đôn, đã tuyến bố rằng món kem sẽ được phục vụ mỗi ngày tại quán của ông cho người dân Mỹ. Kem được ông tạo ra từ hỗn hợp của kem và đường, sau đó được làm lạnh bằng muối và nước đá nên có giá thành khá rẻ.
Những năm 1800, kem vẫn chưa thật sự phổ biến do thời điểm đó vẫn chưa có thiết bị làm lạnh để giữ kem lâu. Thời điểm đó, kem được sản xuất bằng cách cho hộp hợp nguyên liệu làm kem vào trong một chiếc lọ, đóng kín, và cho vào một thùng nước đá trộn với muối, để tạo và giữ độ lạnh cho kem. Đá được lấy từ những tảng băng ở các hồ nước, là lưu trữ nó trong những bể chứa bằng gạch, phủ thêm rơm và che chắn để giữ nhiệt. Phương pháp này được sử dụng cho đến năm 1843, cho đến khi được thay thế bởi thùng có tay quay do Nancy Johnson sáng chế. Hổn hợp làm kem được cho vào hộp, ngăn cách với một hộp khác chứa đá và muối xung quanh. Sau khi được khuấy đều và làm lạnh liên tục trong máy, sẽ cho ra thành phẩm kem mềm, mịn hơn so với trước đó rất nhiều.
Cho đến năm 1851, nhà máy kem đầu tiên mới chính thức được xây dựng tại Pennsylvania, đây là thời điểm mà kem chính thức được sản xuất với quy mô lớn. Do được sản xuất hàng loạt nên chi phí và giá thành kem cũng giảm đáng kể. Kem được phổ biến đến nhiều tầng lớp hơn, hình thành nên thị trường thương mại hoá cho món ăn tráng miệng này.
Sự xuất hiện của công nghiệp làm lạnh trong những năm 1870, đã tạo nên một bước tiến dài cho sự phát triển của món kem. Việc sản xuất, vận chuyển và lưu trữ kem đã trở nên thuận tiện hơn gấp nhiều lần, tạo tiền đề cho việc phổ biến món kem rộng rãi, và đa dạng như hiện nay.
Sự phổ biến rộng rãi của kem, buộc các nhà sản xuất phải tạo ra nhiều công thức mới, lạ mắt, ngọn miệng hơn. Trong khoảng từ năm 1800 đến 1874, có rất nhiều loại kem, với những công thức mới được cho ra mắt. Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến là kem soda, một loại kem trộn mứt. Ban đầu người sáng chế là món kem này đặt tên nó là “Sunday”. Tuy nhiên, sau đó, các lãnh đạo tôn giáo đã ra "đạo luật xanh" nhằm cấm sử dụng tên gọi này do có phát âm giống với "Sunday" nghĩa là ngày Chúa nhật, hay trong tôn giáo gọi là ngày Sa bát. Nên tên gọi của nó đã được thay đổi thành soda.
Đến năm 1888, kem ốc quế được chính thức được tạo nên bỡi nữ đầu bếp Marshall. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1904 thì loại kem với viên kem được đặt trên miếng bánh hình nón mới thật sự được nhiều người biết đến và phổ biến rộng rãi, khi nó xuất hiện trong một cuộc hội chợ hàng tiêu dùng. Và cho đến những năm 1930, kem đã chính thức được bán rộng rãi tại hầu hết các cửa hàng tạp hoá. Việt Nam cũng biết đến món ăn này vào khoảng đầu thế kỷ 20, và nơi bán kem đầu tiên tại Thủ đô là khách sạn Grand trên phố Hàng Trống, nay là phố Lê Thái Tổ.
Có thể thấy, mặc dù gắn liền với các thiết bị lạnh nhưng món ăn này được tạo ra sớm hơn nhiều so với sự phát minh của ngành điện lạnh của thế giới. Hành trình tạo nên món ăn tráng miệng này cũng thú vị, và bí ẩn như cách mà hương vị của nó đem lại cho người ăn thông qua những mùi vị khác khau của từng loại kem.